1. Tôm chua Ba Bể
Tôm chua Ba Bể là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn. Để có được hũ tôm chua Ba Bể ngon đúng vị thì phải trải qua quy trình chế biến rất kỳ công.
Món tôm chua rất dễ ăn, được ăn kèm cơm trắng, thịt lợn luộc và một ít rau. Tôm chua được bảo quản trong vại hoặc hũ đậy kín, để nơi thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời.
2. Thịt lợn gác bếp
Thịt lợn gác bếp là món ăn độc đáo của đồng bào Bắc Kạn. Thịt treo gác bếp chính là một cách giữ cho thực phẩm lâu hỏng. Khi làm món này, người dân sử dụng loại “lợn tên lửa”, một loại lợn nuôi lâu lớn nhưng chất lượng cao.
Sau khi ủ, thịt được treo trên gác bếp, trong quá trình nấu nướng, khói bám vào làm thịt có màu vàng đen, thịt treo như vậy để cả năm không hỏng. Thịt có hương vị thơm đặc trưng của khói, ăn không hề ngấy, ngon và lạ miệng.
3. Bánh pẻng phạ
Bánh pẻng phạ hay còn gọi là bánh trời, là một món bánh quý của người Tày ở Bắc Kạn, là một phần không thể thiếu trong các mâm lễ cúng đón năm mới hay lễ mừng xuống đồng. Những chiếc bánh bé xíu, tròn tròn, hội tụ các nguyên liệu, hương vị đặc trưng của vùng quê, là tình cảm, tâm huyết, ước muốn của bà con người Tày.
Lớp bột áo mịn bao quanh chiếc bánh nhỏ xinh, bên trong bánh thấm vị ngọt ngon của bột và đường mía. Những chiếc bánh nhỏ tuy đơn giản mà tinh tế, như chính con người nơi đây, giản dị mà mến khách. Chiếc bánh thể hiện ước mong no đủ, bình yên, bánh trời còn tượng trưng cho nỗi nhớ nhà của những người con xa quê.
4. Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn mang đậm tính dân tộc của người dân Bắc Kạn. Nếu một lần thưởng thức thì khó có thể nào quên được mùi vị của món ăn này.
Món ăn được làm khá công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến lúc nấu, thường được dành vào những dịp đặc biệt như lễ Tết, cưới hỏi, vào nhà mới. Chỉ cần thử bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai,…
5. Xôi Đăm Đeng
Xôi Đăm Đeng là món ăn đặc sắc của người dân miền núi nói chung và Bắc Kạn nói riêng. Món xôi độc đáo này được nấu từ gạo nếp nương và màu sắc của xôi được tạo ra từ cây cỏ được đun lên chắt lấy nước. Khi ăn, xôi có vị đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất kỳ loại xôi nào khác, hạt xôi bóng đẹp, dẻo và thơm.
Người miền núi có quan niệm rằng ăn xôi này sẽ mang lại nhiều may mắn tốt lành. Xôi Đăm Đeng thường có trong các phiên chợ, ngày cưới hay dịp lễ Tết, đặc biệt vào dịp Tết thanh minh. Nếu có dịp đến Bắc Kạn vào đúng ngày lễ Tết, hãy thử một lần thưởng thức và cảm nhận hương vị của món đặc sản này.
6. Miến dong Na Rì
Khác với các loại miến thông thường khác, miến dong Na Rì Bắc Kạn được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống. Nguyên liệu làm nên miến dong Na Rì phải là nguyên liệu sạch, thuần khiết, được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh.
Do làm từ nguyên liệu nguyên chất nên miến không có màu trắng trong mà hơi đục, nhưng khi nấu sẽ cho sợ miến rất dai, giòn, có hương thơm đặc trưng, không bở, không có sạn. Chế biến miến dong được coi là một nghề truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
7. Lạp sườn hun khói
Lạp sườn là món ăn truyền thống không thể nào thiếu của người dân Bắc Kạn. Đến với Bắc Kạn, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn hấp dẫn độc đáo này.
Lạp sườn Bắc Kạn được làm từ thịt lợn bản nên rất thơm và chắc, được tẩm ướp gia vị đặc biệt của miền núi. Lạp sườn được làm từ chính bàn tay khéo léo của người dân miền núi, mang hương vị của nắng vùng cao, của mùi khói bếp, thoang thoảng mùi gừng, mùi mật ong, mùi rượu,…
8. Cá nướng Ba Bể
Người dân tại Ba Bể vẫn giữ thói quen đánh bắt truyền thống, họ chèo thuyền độc mộc ra hồ và dùng lưới cùng các dụng cụ đơn giản khác. Cách kẹp cá ở Ba Bể cũng đặc biệt khác các nơi khác, kẹp cá thành hình xiên chữ A chứ không kẹp thành đường thằng. Những xiên cá khô, vàng, con nào con nấy đều tăm tắp, nhìn hấp dẫn.
Cá sau khi xiên vào que tre sẽ được xếp cạnh bếp than hoa ủ lửa âm ỉ. Vì cá khô rồi nên khá nhanh chín, khi nướng lật xiên cá liên tục tránh để quá tay. Cá nướng ở đây không hề tanh, khi chín có màu vàng, thơm, ngọt, chắc. Món cá nướng chứa đựng cả tâm hồn người làm ra nó, mộc mạc mà nồng ấm, như chính tình cảm người dân một đời gắn bó với núi rừng và hồ Ba Bể.
9. Bánh gio Bắc Kạn
Bánh gio là một trong những món đặc sản trứ danh của Bắc Kạn. Không ai nhớ rõ món bánh này xuất hiện chính xác khi nào, chỉ biết nó có từ hàng ngàn năm trước. Để làm ra món bánh ngon đòi hỏi người làm ra nó phải vô cùng khéo léo và cẩn thận.
Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc đặc trưng, mát, lành và để được lâu. Khi thưởng thức, du khách sẽ được ăn kèm với nước mật mía có màu vàng sậm rất ngọt và thơm đặc trưng. Trưa hè oi bức, được thưởng thức một chiếc bánh gio mới cảm nhận hết được hương vị của món đặc sản này.
10. Mứt mận
Mứt mận ở Bắc Kạn được coi là đặc sản và có hương vị đặc trưng rất riêng. Chế biến mứt mận khá cầu kỳ, mứt mận ngon phải vừa dai vừa mềm và không bị chát.
Người chế biến mứt mận ở Bắc Kạn không nhiều, chỉ những nhà có kinh nghiệm và truyền thống mới biết cách chế biến món này. Hầu như vào dịp Tết, người dân Bắc Kạn hầu như nhà nào cũng có món mứt mận đãi khách hoặc làm quà biếu.