1. Chắp tay và mỉm cười (Ấn Độ, Thái Lan)
Ở hai đất nước Ấn Độ và Thái Lan, chắp tay được coi là cách chào hỏi phổ biến thể hiện sự trang nghiêm và thân thiện nhất. Người Ấn Độ gọi cách chào hỏi này là Namaste, dùng trong chào hỏi, cám ơn và tạm biệt nhau. Khi thực hiện Namaste, đầu của bạn hơi cúi xuống, chắp các ngón tay vào nhau như khi đang cầu nguyện, miệng mỉm cười khe khẽ.
Cách chào này, đối với người Thái Lan còn mang ý nghĩa thể hiện sự tôn kính. Họ quan niệm, hình ảnh hai tay chắp trước ngực như một đóa hoa sen mới nở dâng cho người đứng trước mặt mình, với tâm thành kính và hoan hỉ.
2. Hôn má (một số nước châu Âu)
Do sự cởi mở về văn hóa, người châu Âu coi việc hôn vào má giống như một cách chào hỏi thân thiện và trân trọng nhất. Nếu có dịp đến đây, đừng quá ngạc nhiên nếu có một chàng trai, cô gái nào đó hôn khẽ vào má bạn dù chỉ mới lần đầu gặp mặt, tất cả chỉ là cách ứng xử gặp gỡ đầy thân thiện của người dân xứ châu Âu.
Số lần hôn cũng khác nhau, ở các nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, người ta chỉ hôn nhau 2 lần để chào hỏi thay vì 3 cái như ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ. Khi hôn, người ta sẽ chuyển từ má này sang má khác chứ không liền một chỗ.
3. Phun nước bọt (bộ lạc Massai)
Cách chào hỏi này khiến khá nhiều người Việt Nam phải e ngại. Tuy nhiên đối với người dân ở bộ lạc Massai, đây là cách chào hỏi thân thiện nhất khi họ tiếp đón một người bạn mới quen. Thú vị hơn, họ còn cho rằng nếu phun nước bọt dính càng nhiều vào đối phương thì càng thể hiện sự nồng nhiệt.
4. Thè lưỡi (Tây Tạng)
Phong tục chào hỏi này bắt nguồn từ một vị vua độc ác có tên là Lang Darma. Tương truyền, người này có chiếc lưỡi màu đen. Thế là từ đó, khi gặp nhau người Tây Tạng thường lè lưỡi chào hỏi để chứng minh mình không phải là hiện thân của vị vua độc ác đó. Dần dần, thói quen này trở thành phong tục khá thú vị của xứ sở Phật giáo này.
5. Chạm nhẹ mũi (Maori)
Tộc người Maori ở New Zealand dùng cách chào hỏi này đối với những người thân quen. Tuy nhiên, nếu bạn là một người xa lạ mà vẫn được họ ưu ái được họ chào hỏi bằng cách này thì điều đó có nghĩa là bạn chẳng khác gì một thành viên trong gia đình họ. Khi chào, họ áp nhẹ mũi vào đối phương và kết thúc bằng cái nắm tay thật chặt. Đối với họ, đây là hành động truyền trao hơi thở và sự sống cho người khác, thể hiện sự thân thiện và tôn trọng.
6. Đặt tay lên trái tim (Malaysia)
Cách chào này giống như các cầu thủ nước ta vẫn thường làm mỗi khi chào cờ trước trận đấu. Họ đặt tay trái của mình lên trái tim và đầu hơi cúi nhẹ. Cách chào như gửi đi một thông điệp: tôi chào mừng và hân hạnh đón tiếp bạn bằng cả trái tim.
Hành động này vừa thể hiện được sự lịch thiệp, vừa rất tiện lợi ở quốc gia mà những nghi lễ, giáo điều giữa nam và nữ khá nặng nề. Ở Malaysia, nam và nữ không bao giờ chào nhau bằng những cái bắt tay, vì họ cho đó là cử chỉ âu yếm chỉ xuất hiện ở những cặp vợ chồng.
7. Nhướng mày (Micronesia)
Thường thì người dân Việt Nam vẫn làm động tác nhướng mày khi cảm thấy khó hiểu một điều gì đó, tuy nhiên đây lại là một kiểu chào đặc biệt ở Micronesia – 1 vùng đảo lớn ở Thái Bình Dương. Khi gặp một ai đó và để tỏ thái độ lịch sự, họ thường nhướng lông mày và mỉm cười nhẹ. Điều này đồng nghĩa với tín hiệu chấp nhận sự có mặt của bạn và rất hân hạnh được đón tiếp.
8. Cúi gập người (Nhật Bản, Trung Quốc)
Hành động lịch sự này không mấy xa lạ với người Việt Nam vì thỉnh thoảng chúng ta cũng có thể chào nhau bằng cách cúi gập người. Trong văn hóa người Nhật, cúi gập người trước đối phương là sự thể hiện lòng tôn trọng và biết ơn. Không chỉ trong chào hỏi, cách cúi gập người cũng được thể hiện trong việc xin lỗi, cảm ơn.
9. Chạm tay lên trán (Philippines)
Trẻ em ở Philippines khi chào hỏi người lớn tuổi thường cúi thấp đầu xuống, sau đó lấy một tay của người đối diện đặt lên trán của mình. Người ta gọi hành động này là “mano”, biểu trưng cho sự kính trọng và nhận sự ban phúc lành từ các bậc lớn tuổi. Khi xem các bộ phim Philippines, bạn có thể nhìn thấy kiểu chào quen thuộc này trên sóng truyền hình.
10. Bánh mì và muối (Nga)
Mặc dù hiện tại người Nga đã quen với việc bắt tay cho những lần tiếp xúc, chào hỏi, tuy nhiên ở một số vùng nông thôn, bánh mì và muối vẫn là hai thứ không thể thiếu được khi chủ nhà ra mặt chào hỏi khách. Họ thường đặt bánh mì và lọ muối lên một chiếc khăn vuông, khi gặp khách vào nhà, thay vì cúi đầu chào hay bắt tay, họ sẽ trao ngay vật này cho người đó.
Trong văn hóa của người Nga, bánh mì tượng trưng cho lòng hiếu khách, còn muối thể hiện ước muốn mối quan hệ bền chặt, do đó khi quyết định chào hỏi bằng cách này nghĩa là họ đã coi bạn như người trong một nhà.
Trên đây là những kiểu chào độc đáo thú vị nhất trên thế giới. Hi vọng Top10meohay đã cung cấp cho bạn những thông tin đầy hữu ích và thú vị!