Có rất nhiều thức ăn, thực phẩm cần được bảo quản. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng có thể cho vào tủ lạnh.Theo các chuyên gia một số thức ăn sẽ bị mất chất, thay đổi thuộc tính hoặc tệ hơn là chuyển sang độc tố khi bảo quản bằng tủ lạnh.
Hãy tham khảo danh sách các loại thực phẩm sau nhé!
1. Cá
Các chuyên gia khuyên chúng ta không nên bảo quản cá trong tủ lạnh quá lâu. Bởi nhiệt độ của ngăn đá tủ lạnh gia đình là -15 độ C, nhưng các loại hải sản lại cần đến -30 độ C, do vậy nếu để quá lâu nước mô của cá sẽ biến mất, cá sẽ bị bở thịt, có mùi hôi, chất dinh dưỡng sẽ tiêu tan hoàn toàn.
2. Cà phê
Các mẹ nhớ nhé, không nên để cà phê trong tủ lạnh dù nó ở dạng xay hoặc hạt. Cà phê rất dễ hấp thụ bất kỳ mùi nào xung quanh nó, vì vậy nếu đặt trong tủ lạnh, cà phê sẽ bắt đầu hấp thụ các mùi hương khác nhau và sẽ không bao giờ trở lại hương vị ban đầu.
Sự thay đổi nhiệt độ ngay lập tức trong tủ lạnh cũng làm cho hơi nước thoát ra khỏi cà phê, làm mất hương vị hạt cà phê. Cà phê xay và cà phê hạt cần chứa trong hộp kín và một không gian mát mẻ, khô và tối để giữ được hương vị và sự tươi mát của chúng.
3. Khoai tây
Đây cũng là thực phẩm không nên trữ trong tủ lạnh. Vấn đề ở chỗ khi nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống, tinh bột khoai tây được chuyển thành đường. Kết quả là trạng thái và hương vị của khoai tây sẽ thay đổi theo chiều hướng không tốt.
Vì vậy, bạn nên lưu trữ trong túi giấy. Ngoài ra, không nên để khoai tây trong túi ni-lông vì hơi ẩm tích tụ không thoát ra ngoài được sẽ khiến khoai bị thối rữa nhanh hơn.
Không bao giờ được để hành tây và khoai tây gần nhau, bởi vì khoai tây sinh ra độ ẩm và khí làm hành tây bị thối rữa.
4. Hành tây, hành lá và hành củ khô
Các loại hành sẽ bị mềm xốp hoặc có nấm mốc nếu để trong tủ lạnh quá lâu. Nếu hành tây đã được cắt và để trong tủ lạnh, các lớp hành sẽ bị rời ra và khô dù bạn đã gói bọc cẩn thận. Ngoài ra việc để hành trong tủ lạnh cũng làm mất mùi hương vị riêng của chúng.
Hành tây thích hợp để vào những túi lưới (hoặc những loại túi cho phép lưu thông với không khí bên ngoài) bảo quản trong phòng nhà bếp. Nhưng cần lưu ý nếu bạn để chung hành tây và khoai tây cả hai sẽ nhanh chóng bị thối rữa.
5. Tỏi
Rất nhiều gia đình cất tỏi trong tủ mà không hề biết đây cũng là 1 trong những thực phẩm không được cất trong tủ lạnh. Hơi lạnh của tủ sẽ làm cho tỏi mọc mầm và làm tỏi trở nên dai hơn, thậm chí là mốc. Thực tế chúng ta có thể để tỏi ở nhiệt độ phòng trong 2 tháng mà không cần làm lạnh.
Vì thế, bạn chỉ cần để tỏi ở bên ngoài, ở nơi khô ráo, thoáng mát là được!
6. Cà chua
Cà chua có thể bị biến sắc khi để trong tủ lạnh, vì vậy hãy để chúng vào một chiếc ngăn (không nên để bên trong túi nhựa). Để tăng tốc độ chín của cà chua hãy để trong túi giấy. Khi cà chua chín sẽ có thể để được trong vòng ba ngày.
7. Chuối
Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của chuối. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá lạnh, nó có thể khiến chuối bị mềm nhũn và ăn có vị hơi cay khi chín. Do vậy, chuối xanh cần được giữ ở nhiệt độ phòng.
Còn nếu chuối đã chín mà bạn không ăn kịp, bạn có thể bảo quản chúng trong ngăn lạnh. Khi đó vỏ chuối sẽ tiếp tục chuyển sang màu nâu, nhưng trái cây vẫn rất hoàn hảo.
8. Bánh mì dễ nhiễm khuẩn
Bánh mì dễ bị khô cứng khi để trong tủ lạnh. Ngoài ra, bánh mỳ cũng là loại thực phẩm dễ nhiễm khuẩn. Nếu đặt trong điều kiện tủ lạnh lâu ngày không lau dọn, bánh mì sẽ rất dễ bị mốc.
Nguyên tắc cơ bản khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Theo báo Phụ nữ TP HCM, nguyên tắc cơ bản khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chỉ từ 1- 2 ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thực phẩm mà chúng ta bảo quản theo các cách khác nhau để không làm phát sinh độc tố nguy hiểm.
– Chế độ tủ lạnh phải dưới 4 độ C và tủ đá phải dưới – 18 độ C. Tuyệt đối không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống. Bọc ni lông hoặc cho vào hộp, hạn chế không khí lọt vào.
– Để thức ăn nguội mới cho vào tủ lạnh. Vì nếu còn nóng mà cho ngay vào tủ lạnh có nhiệt độ thấp thức ăn sẽ biến chất, nhiệt độ cao trong thức ăn sẽ bị ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại phát triển dẫn đến gây độc cho toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh.
– Thức ăn thừa không nên trữ quá lâu trong tủ lạnh, chỉ nên để cho bữa sau, lâu nhất chỉ nên từ 5 – 6 tiếng trong tủ lạnh khi bỏ ra vẫn phải nấu lại, vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.
– Các loại rau đã chế biến không nên bảo quản trong tủ lạnh, vì khi nấu ở nhiệt độ cao có thêm muối thì các vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát triển rất nhanh và có thể tạo thành chất gây ung thư. Vì vậy, không nên ăn rau thừa, sẽ không tốt cho sức khỏe cũng như người hay ăn các thực phẩm chế biến từ rau củ muối có khả năng bị ung thư dạ dày rất cao.
Hy vọng những chia sẽ trên sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong cách bảo quản thực phẩm an toàn nhé!