Với bệnh thoái hóa xương khớp của người trẻ, dẫn đến thoát vị địa đệm, với nguyên nhân do môi trường làm việc, tư thế vận động, không phải thoái hóa do tuổi già, thì hiệu quả của cây cỏ rất cao, có thể chữa khỏi được hoàn toàn.
Mỗi tháng bán 40 tấn thuốc
Vừa rời khỏi trung tâm thành phố Tuyên Quang, hỏi nhà ông lang Lục Xuân Út, nổi tiếng chữa các bệnh về xương khớp, gút, hầu như ai cũng biết và chỉ dẫn cụ thể thôn, bản, dù nhà ông lang này tận huyện Yên Sơn, cách thành phố gần chục cây số. Tiếng tăm ông lang Út ở miền gái đẹp này quả thực nổi như cồn. Có lẽ, quá nhiều người hỏi đường tìm đến cái địa danh ấy và phần lớn là đi lấy thuốc.
Vòng vèo trong làng, nhấp nhô lên dốc mấy lần qua những mỏm đồi thấp, thì tìm thấy nhà ông lang Út. Biển chỉ đường với cái mũi tên cắm ở những ngã rẽ hoang vắng. Căn nhà sàn của lang Út nằm trên mỏm một quả đồi, phóng tầm mắt nhìn thấy sông Lô. Sân ngõ tràn ngập ô tô, đủ các loại biển xanh, đỏ, trắng, mãi Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình… Danh tiếng ông lang người Giáy rất “âm thầm” mà vang xa khủng khiếp như vậy, thì cũng phải công nhận bài thuốc của ông lang này hiệu nghiệm.
Bước chân lên nhà sàn, tôi càng choáng ngợp, khi cả một gian phòng rất rộng, có tới cả trăm tải thuốc, chất ngất. Thấy tôi kêu thuốc gì mà chất như núi thế này, ông lang Út bảo còn nhiều ở chỗ khác nữa. Rồi ông tiếp tục mở kho thuốc ở phòng bào chế dưới tầng hầm ngôi nhà sàn khổng lồ cho tôi xem. Theo ông lang Út này, thì có khoảng 10 tấn thảo dược đã sơ chế, là lượng nguyên liệu chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân.
Các kho chứa nguyên liệu ở huyện Na Hang đến cả chục tấn thảo dược nữa. Đến bệnh viện đông y của một tỉnh cũng không tiêu thụ lượng thảo dược lớn khủng khiếp như thế này. Ông lang Lục Xuân Út bảo: “Cậu nhìn xem, xe to xe con từng đoàn kéo nhau lên chở thuốc thế này, thì mấy tấn kia được mấy ngày thì hết. Thuốc của tôi dạng thô, mỗi thang thuốc nặng 3-4kg, nên số lượng tính bằng tấn cũng không nhiều đâu. Cả kho được vài ngàn thang thôi mà, chả mấy mà hết nhẵn, vì bệnh nhân đông lắm.
Các bệnh về xương khớp mỗi ngày thêm phức tạp, đa dạng, trẻ hóa. Thuốc Tây thì chỉ giảm đau, kháng viêm, không những không chặn được bệnh, mà còn khiến bệnh nặng thêm, ảnh hưởng xấu cả đến gan, thận.
Bệnh nhân mắc bệnh xương khớp sau khi đã điều trị bằng phương pháp Tây y, thì mới nhận ra rằng, cây cỏ mới thực sự cứu cánh cho họ, thế là người nọ mách người kia, người dân khắp cả nước lấy thuốc của tôi dùng. Để mọi người đỡ phải đi lại vất vả, tôi phải gửi thuốc cả ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ. Cứ vài hôm lại một xe tải chở thuốc từ nhà tôi xuống Hà Nội. Mỗi tháng, tôi cung cấp cho bệnh nhân đến chục tấn thuốc thành phẩm. Nếu tính thảo dược tươi, thì phải 40 tấn mỗi tháng”.
Tôi hỏi ông lang Út: “Thuốc của ông có chữa khỏi được thoái hóa xương khớp không mà tiêu thụ nhiều như thế?”. Ông lang Út bảo: “Những bài thuốc đông y tuy không thể chữa khỏi hẳn bệnh thoái hóa xương khớp của người già, nhưng có thể ngăn chặn nó và chặn đứng sự nặng thêm của căn bệnh này. Chỉ cần có tác dụng giảm sự tiến triển của thoái hóa, hoặc ngăn chặn thoái hóa, cũng là tốt lắm rồi. Với bệnh thoái hóa xương khớp của người trẻ, dẫn đến thoát vị địa đệm, với nguyên nhân do môi trường làm việc, tư thế vận động, không phải thoái hóa do tuổi già, thì hiệu quả của cây cỏ rất cao, chữa khỏi được hoàn toàn”.
Thầy lang của vua Mèo
Ông lang Lục Xuân Út sinh năm 1964, là người Giáy chính cống. Tổ tiên sống ở vùng biên giới Trung Quốc và Việt Nam, cách Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) 6km. Các cụ kể lại, ngày trước, cộng đồng người Giáy sinh cư ở vùng biên giới, còn chưa phân biệt được lãnh thổ một cách rõ ràng. Vì thế, giờ đây, dòng họ của thầy lang Lục Văn Út sinh cư ở cả hai bên biên giới, vẫn đi về thường ngày.
Dòng họ Lục của ông lang Lục Xuân Út có nghề thuốc gia truyền từ xa xưa. Các cụ kể lại, thì họ Lục có nhiều bài thuốc quý. Mỗi ông lang có uy tín trong gia đình sở hữu một bài thuốc đặc trị, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Trong số những bài thuốc đó, nổi bật là các bài thoái hóa xương khớp, viêm đa khớp, gút, giải độc, trị các bệnh về gan, tiêu u mỡ.
Ông nội của ông lang Lục Xuân Út lấy vợ, rồi di cư sang Đồng Văn sinh sống. Giỏi các bài thuốc quý, nên thường xuyên điều trị cho vua Mèo. Ông nội truyền nghề thuốc cho con trai Lục A Hủi, là bố đẻ của Lục Xuân Út. Cụ Hủi sinh năm 1917, vừa là thầy lang, chăm sóc sức khỏe cho vua Mèo Vương Chí Sình, vừa là thợ chăm sóc ngựa cho vua Mèo.
Ông Hủi tài hoa, giỏi thuốc, lấy hai vợ và sinh được tới 10 người con. Vợ cả của ông Hủi là người Trung Quốc, có với nhau 3 người con. Vợ hai là người gốc Nghĩa Hưng (Nam Định), theo bố di cư lên Đồng Văn. Bà hai sinh cho ông 7 người con. Thầy lang Lục Xuân Út là con út của bà hai.
Ông Lục A Hủi được bác Hồ giác ngộ, trở thành Việt Minh, tham gia tiễu phỉ. Ông cũng có công động viên, thuyết phục Vương Chí Sình theo cách mạng. Khi Đồng Văn Giải phóng, ông Lục A Hủi được giữ chức Chủ tịch huyện Đồng Văn. Tuy nhiên, do không biết chữ, ngay sau đó bị xuống chức phó chủ tịch.
Ông Lục A Hủi nắm tất cả các bài thuốc quý của dòng họ. Ngày đó, ông bốc thuốc cho nhà Vương và nhân dân trong vùng Đồng Văn, cả người Trung Quốc. Ông Hủi truyền cho con cả bài thuốc đặc trị các bệnh về gan, thận. Anh thứ 7 của ông Út học được bài thuốc khớp và dạ dày. Anh cả làm chủ tịch xã Đồng Văn. Anh thứ 7 này sống ở huyện Na Hang. Cả hai ông đều giỏi bốc thuốc, nhưng không hành nghề, mà chỉ vào rừng nhổ cây thuốc cứu người miễn phí. Bệnh nhân là những người quen biết, xóm làng.
Truyền nhân bài thuốc xương khớp, gout
Lục Xuân Út tuy là con út, nhưng tính nết nhanh nhẹn, lại có đam mê cây cối, nên được bố cho đi theo hái thuốc nhiều nhất. Hồi 6-7 tuổi, Út đã trèo vách đá như khỉ để lấy thuốc. Những cây thuốc ông Hủi lấy, toàn là kỳ hoa dị thảo, mọc hoang dã trên các vách núi đá dựng đứng.
Hồi lên 10 tuổi, Lục Xuân Út đã biết cả trăm cây thuốc quý. Những cây thuốc ấy đều được gọi theo tiếng Giáy, nên dù sau này nghiên cứu sách vở, anh cũng không biết tên khoa học nó là gì, đã từng được nghiên cứu hay chưa. Hầu hết các cây thuốc, khi anh mang cho các thầy thuốc Việt Nam, các nhà khoa học, nhà dược học, đều không biết chúng là cây gì.
Hồi thanh niên trai trẻ, Lục Xuân Út lang thang trong rừng suốt ngày. Anh chàng Út nhỏ thó, lùn tẹt, nhưng trèo đèo lội suối suốt ngày không mệt. Chỉ cần con dao quắm, Lục Xuân Út có thể đi liên miên cả năm trong rừng. 20 năm trước, Lục Xuân Út đi xuyên rừng từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, vòng xuống Bắc Mê, sang Na Hang của Tuyên Quang để tìm thuốc.
Lục Xuân Út phát hiện ở Na Hang và những khu rừng lân cận của Tuyên Quang có vô số cây thuốc quý chữa gút. Hầu hết những cây thuốc này đều là cây cỏ hoang dã, không được biết đến, nên chúng không bị thu hái. Có nguồn thuốc lớn, Lục Xuân Út đã có điều kiện để giúp đỡ nhiều người bệnh hơn. Tại đây, anh gặp thiếu nữ người Kinh, nên lấy làm vợ. Chàng trai người Giáy theo vợ về huyện Yên Sơn để sinh cư.
Được bố mẹ vợ chia cho một quả đồi cao nhất làng, Lục Xuân Út bắt đầu hành nghề. Tiếng lành đồn xa, những bài thuốc của anh, đặc biệt là thuốc chữa thấp thấp khớp (thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, gout) đã lan rộng khắp cả nước.
Những vị thuốc bí truyền
Mặc dù bốc thuốc cho cả vạn bệnh nhân, nhưng ông lang Lục Xuân Út vẫn làm hoàn toàn thủ công. Mỗi lần bốc thuốc, ông lang Út mở những chiếc bao tải lớn chứa nguyên liệu đã thái và phơi khô, rồi cứ thế dùng tay bốc trộn với nhau. Mỗi thang thuốc gồm 15 túi nhỏ, uống trong 30 ngày. Mỗi thang nặng tới 3-4kg, tùy loại thuốc, tùy loại bệnh. Hai vợ chồng, mấy người làm, bốc thuốc liên tục, cứ đóng thuốc đến đâu, là có người đến khuân đi hết.
Tôi lại hỏi: “Nếu thái thuốc thô thế này, anh không sợ bị người khác học mất bí quyết à?”. Thầy lang Lục Xuân Út cười nói: “Những cây thuốc của mình đều là thứ chỉ trong dòng họ mình biết thôi, nên có nhìn cây khô cũng không biết được đâu. Cũng vì không ai biết, mà những cây thuốc này không bị khai thác, vẫn còn trong rừng.
Chỉ có điều, chúng toàn là các vị thuốc trong rừng già, trên núi đá, đi lấy rất khó khăn. Hiện tại, nói không ngoa, phải có đến cả trăm người đi rừng sâu lấy thuốc cho mình. Mỗi người đi cả ngày trong rừng, gùi về được đôi chục kg thuốc tươi, sau khi phơi khô, xao chế, chỉ còn lại vài kg khô mà thôi. Nhiều vị thuốc quý, phải đi rất xa, thậm chí núi đá trên Đồng Văn, Mèo Vạc mới lấy được, tốn kém chi phí rất cao”.
Khi tôi hỏi các vị trong bài thuốc chữa các bệnh thoái hóa xương khớp, viêm đa khớp, gout, thì ông thầy lang Lục Văn Út chẳng giấu giếm gì. Ông Út mở từng bao nguyên liệu, bốc lên và khoe các vị gồm: Cơm lênh, bầu khai, nhức xương, dau dáu, huyết đằng, dây rắn, thân vuông, mã hoa, cờ hạp, bù đong…
Tôi bảo: “Hầu hết các cây thuốc anh nói tên đều lạ hoắc, chỉ có nhưng dây nhức xương và huyết đằng thì nhiều người biết rồi…”. Ông lang Lục Xuân Út bảo: “Dây nhức xương có mấy chục loại, mình chỉ dùng đúng một loại mà thôi. Huyết đằng là dây leo bổ máu, nhưng có 6 loại khác nhau. Có loại huyết đằng trị ngứa và dị ứng, có loại trị dạ dày, có loại trị về gan. Loại huyết đằng giải độc gan, điều hòa cơ thể, chính là loại bổ trợ cho các thảo dược trị gout và xương khớp.
Loại huyết đằng này dây nhỏ, kỳ quái như con rắn, nó chỉ có ở rừng già. Mới đây, mình vào rừng hái thuốc, thấy có dây huyết đằng mọc ở lối vào rừng, vắt lên vách đá, mình hỏi ông cụ chăn trâu, thì ông cụ bảo ông đã 80 tuổi, mà hồi 9-10 tuổi đã thấy dây huyết đằng mọc ở đây, to như bắp tay rồi. Tức là, đã 70 năm qua, dây huyết đằng này không hề lớn. Tuổi của nó có lẽ phải trăm năm. Nếu khai thác nhiều quá, thì nó cũng cạn kiệt mất, vì nó lớn rất chậm, mấy chục tuổi mới sử dụng được”.
Nói rồi, thầy lang Lục Xuân Út trèo lên đống thuốc chất trong kho, lôi từ trên mái nhà xuống một đoạn dây leo, to bằng cổ tay, trông như con rắn. Dây huyết đằng to bằng cái phích, như con trăn, bò loằng ngoằng trong rừng, có tuổi trăm năm thì tôi gặp nhiều trong các chuyến đi rừng, nhưng dây huyết đằng cổ thụ mà rất nhỏ và hình thù quái dị thế này thì chưa gặp.
Ông Út bên cây thuốc chữa thoái hóa xương khớp
Theo thầy lang Lục Xuân Út, mỗi loại bệnh, đều có vài vị chủ đạo. Vị chủ đạo trong các bài thuốc thấp khớp là cây cơm lênh. Theo thầy lang Út, đây là một loại lan, mọc hoang dã trên vách đá cao, chứ không mọc trên cây. Loại lan này chỉ sống ở rừng già, trong các khe đá ẩm ướt, tối tăm.
Ông Út đã mang cây lan này cho nhiều thầy lang miền núi, nhưng không ai biết dùng để làm thuốc, chỉ mỗi dòng họ của ông dùng, nên trong rừng vẫn còn nhiều. Loài lan có tên cơm lênh ra hoa đỏ pha vàng, nhìn không đẹp, lại khó trồng làm cảnh, nên không bị tận diệt. Cơm lênh có nhiều kháng sinh tự nhiên. Xưa kia, ông nội, rồi bố ông thường hái cơm lênh tắm cho trẻ mới sinh. Các cụ bảo tắm bằng nước cơm lênh trẻ sơ sinh sẽ khỏe, tăng sức đề kháng, không bị ốm vặt, nhiễm lạnh… Ngoài ra, trẻ con bí đái, tiểu rắt, chỉ cần ngâm mình trong nước cơm lênh là hết bệnh.
Thảo dược chưa ai biết đến mà ông lang Út sử dụng trong bài thuốc thấp khớp là dây dau dáu. Theo ông lang này, hoạt chất từ dau dáu có tác dụng lưu thông khí huyết các cơ, giúp các cơ khỏe mạnh, bền bỉ.
Cơ khỏe sẽ nuôi các khớp, đỡ hệ xương tốt hơn, giữ đĩa đệm đúng vị trí, bảo vệ các dây thần kinh. Nó còn có các tụng tiêu độc tích tụ ở các khớp, tiêu vết sưng khớp. Dây dau dáu chỉ bằng ngón tay cái, nhưng cực bền. Người miền núi thường lấy dây này làm thừng trâu để cày bừa, thậm chí dùng trâu kéo gỗ. Không ai biết dùng dây dau dáu để làm thuốc ngoài dòng họ của lang y Lục Văn Út.
Thầy lang người Giáy Lục Văn Út bảo: “Mình không được học hành đầy đủ, nên không phân tích được hoạt chất từ các cây thuốc các cụ truyền cho, cũng không biết được tên khoa học của nó. Mình cũng muốn tiết lộ những cây thuốc này cho một nhà nghiên cứu nào đó để phân tích, rồi nghĩ cách cứu nhiều người, nhưng lại sợ lộ bài thuốc, làm mất nghề gia truyền, rồi người ta vào rừng nhổ hết cây thuốc quý thì gay lắm”.
*Thông tin trên mang tính tham khảo, bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia sức khoẻ trước khi áp dụng. Chúc bạn sống khỏe!
Theo Vuikhoemoingay