Hại chân con vòng kiềng thêm cong vẹo vì vội làm theo cách chữa “xưa lơ xưa lắc”

Trong thời gian nằm ổ, em rất an tâm khi có bà ngoại ở bên chăm sóc hai mẹ con. Dù bà áp dụng đủ cách xông hơ khá cầu kỳ và có phần hơi cổ hủ nhưng điều đó không làm cho em cảm thấy khó chịu vì em biết có mẹ chăm đẻ cho là sướng nhất trên đời rồi, chẳng đòi hỏi gì hơn!

Nhưng cũng có lẽ do em quá ỷ y vào mẹ nên mọi chuyện mới thành ra như bây giờ.

Số là mẹ em ngày nào cũng lụi cụi nhóm bếp, quạt than để mang vào phòng cho em nằm ép bụng, xông hơ. Sau khi em xông hơ xong, bà còn kéo lò ra ngoài, cho tay mình hơ qua than hồng và vuốt khắp mình con bé từ mũi, trán, tay, chân cho đến cả mắt. Mỗi lần vuốt đến chỗ nào bà lại đọc câu thần chú “Bà vuốt… con cho con sau này được…”. Ngày nào cũng nghe bà đọc nên dù không nhìn, em cũng biết bà đang vuốt bộ phận nào trên cơ thể bé.

Cách đây mấy tháng, nghe em than chân con bị cong vòng kiềng, mẹ càng tích cực xông hơ, nắn bóp để kéo chân con thẳng ra. Sau đâu 2-3 hôm, thấy không thay đổi gì, em lại than với mẹ. Bà cứ thế tăng cường các cữ nắn kéo cho con. Những lúc không xông hơ, bà tranh thủ sau cữ bú của cháu, nắn nắn, kéo kéo rất kiên nhẫn. Nhìn bà làm em cũng thấy sốt ruột, nghĩ bụng không khéo chân con chẳng thẳng ra được mà còn gãy luôn thì nguy. Nhưng nói ra thì lại ngại bà tự ái, giận dỗi thì khổ (các cụ càng già càng dễ dỗi lắm í!) nên thôi.

Ảnh internet

Kết quả là sau 2 tuần, chân con bầm tím, thoa dầu mãi cũng chẳng bớt. Con bé cũng ngày càng lười bú, suốt ngày cứ quấy khóc làm em như phát điên lên được. Thấy không ăn nhằm, chồng chở hai mẹ con đi Bệnh viện Nhi đồng 1. Đến nơi, bác sĩ khám xong, mắng thẳng luôn vào mặt:

-Thời buổi nào rồi mà còn nắn kéo bừa thế này! Để con viêm cơ, trật cả xương đến bầm tím thì mới đem tới đây ai mà chữa cho nổi!

– Bác ơi, bác cứu con em. Tại em sợ con gái bị chân vòng kiềng, lớn lên chẳng ma nào chịu rước nên mới vội. Bác chữa cho con với ạ! Em xin bác!

– Xin gì mà xin, giờ bế nó qua bên phòng vật lý trị liệu trước đi đã. Mỗi tuần ở đây tiếp nhận gần 10 ca tương tự, cũng cảnh báo các mẹ nhiều vậy mà vẫn có những ca lặp lại tương tự y như vợ chồng chị đây. Thật không thể hiểu nổi!!!

Vậy đấy, sau khi bác mắng cho, em mới thấy mình dại thật. Từ cái ngu lần này, em mới lò dò vào mạng đọc thêm thì được biết:

Bé sơ sinh nào cũng có thể bị chân vòng kiềng

Trên thực tế, trẻ sơ sinh bình thường khi chào đời thì hai chân bé đã bị cong do ảnh hưởng bởi tư thế bào thai. Các dị tật ở chân trẻ sơ sinh thường là: vẹo cong chân, chân vòng kiềng, chân quặt quẹo hoặc bẹt bàn chân… Trong số này, tật chân vòng kiềng có thể tự khỏi sau 3 tuổi, khi cơ thể bé tự điểu chỉnh trở lại.

Đây là trường hợp chân cong do sinh lý nên dù không cần trị, chân trẻ cũng tự động trở về hình dáng bình thường đến năm 3 tuổi. Tuy nhiên cũng cần theo dõi bé đến 5-6 tuổi để biết phải can thiệp đúng lúc.

Chân vòng kiềng sinh lý không cần điều trị cũng tự khỏi

Việc nắn bóp chân cho bé chỉ là giải pháp tạm thời, không có tác dụng cải tạo cấu trúc xương. Nếu càng cố sẽ chỉ khiến con bị viêm cơ, bầm tím, thậm chí còn làm bé bị trật xương nếu nắn kéo mạnh tay và không đúng cách. Nếu không phát hiện kịp thời hậu quả của việc nắn kéo, chân bé thậm chí còn bị tật về sau luôn í!
Còn giả như bé bị cong chân với các nguyên nhân bệnh lý như bị nhuyễn xương (thiếu vitamin D), nhiễm trùng xương, nhất là vùng sụn có vấn đề… thì các bố mẹ phải nhanh chóng cho bé chữa trị.

Các giải pháp chữa chân vòng kiềng an toàn và hiệu quả

  • Để chữa chân vòng kiềng cho bé, tốt nhất nên cho bé tắm nắng và bú mẹ nhiều hơn để đảm bảo bé có đủ vitamin D giúp cơ thể tự điều chỉnh theo thời gian. Nếu cần thiết, phải bổ sung thêm vitamin D cho bé theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tránh tập cho trẻ đứng hoặc đi quá sớm khi hệ xương chưa đến tuổi hoàn thiện nhằm tránh ảnh hưởng đến cấu trúc xương của chân.
  • Khi bé lớn, bố mẹ hãy tập cho bé hình thành thế ngồi, đứng và đi như sau: Không ngồi tư thế W; Không đứng bẻ cong chân về sau; Không đi chân hai hàng hoặc bước xiên vẹo.
  • Tập bài tập cho cơ bắp trong săn chắc: Dạng hai chân bé rộng bằng vai sao cho chân hơi khum vào bên trong. Sau đó, đếm 20 cái theo nhịp để bé đứng lên ngồi xuống nhưng không ngồi bệt hẳn xuống sàn. Duy trì bài tập mỗi ngày và ngày từ 2-4 lần.
  • Còn nếu bé cong chân do còi xương bởi yếu tố di truyền, bố mẹ nên đưa bé đến điều trị sớm tại các chuyên khoa nội tiết.
  • Nếu chân vòng kiềng là dị tật bẩm sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hoặc mất vẻ thẩm mỹ, bố mẹ có thể can thiệp bằng cách áp dụng phương pháp bó nẹp, bó bột hoặc phẫu thuật sắp lại xương khi bé đủ 3 tuổi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những cách sau cùng khi các biện pháp khác tỏ ra không hiệu quả.

Hiện tại con em vẫn đi lại điều trị ở bệnh viện Nhi. Đợi đến khi bé lớn hơn chút, bác sĩ sẽ tiến hành nẹp chỉnh xương cho con. Nhìn chân con cong vòng mà thấy người lớn mình dại dột quá thể các mẹ ạ!!!

Comments (0)
Add Comment