Dại dột để con sơ sinh nằm sai tư thế bị bẹp đầu, mẹ ân hận khi con lãnh trọn hậu quả
Con gái lớn em được 6 tuổi rồi, em hay lấy kéo tự cắt tóc ngắn cho con. Dạo này việc ở công ty nhiều quá nên không rảnh để ý vụ tóc tai này nữa. Sáng hôm qua con gái thay đồ đẹp để đi múa mừng kỉ niệm 10 năm thành lập trường. Trước khi chở con đi, em giật mình nhận ra tóc con đã dài quá rồi nên tìm cọng dây thun buộc cao lên trên đỉnh đầu cho nhí nhảnh chút. Ai ngờ buộc xong mới nhận ra sọ con...xấu quá chừng. Em lại xõa tóc ra để che đi, nhìn con nóng nực mà thương quá!
Giờ có tóc rồi còn đỡ chứ hồi con 5-6 tháng mới có vài cọng tóc yếu ớt loe hoe nhìn còn xấu tệ hơn nữa. Cũng tại em làm mẹ mà không biết chăm con cẩn thận để đầu con méo xẹo, xẹp lép hẳn sang một bên. Nhìn biến dạng, mất thẩm mĩ quá chừng. Chả lẽ suốt đời con phải trung thành phải kiểu tóc xõa hay sao? Rồi không biết thần kinh của con sau này có bị ảnh hưởng không nữa.
Rút kinh nghiệm đứa thứ hai mới sinh em đã cố gắng làm đủ mọi cách người lớn dặn, cuối cùng thằng bé có quả đầu tròn đều rất đẹp. Ai nhìn cũng khen. Giá như hồi xưa em ý thức được việc này sớm hơn thì cả hai chị em nó đều đẹp hết rồi. Nghĩ mà thương con gái quá!
Các mẹ ơi, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị bẹp đầu, méo đầu. Có thể là do bé sơ sinh chưa thể tự mình thay đổi tư thế nằm nên hay nằm cố định một tư thế dẫn đến đầu sọ phát triển không đều, móp méo, mất cân đối. Có thể là do bé mắc phải chứng trẹo cổ. Chứng trẹo cổ rất dễ làm con bẹp đầu vì nó hạn chế những cử động ở cổ, con chỉ có thể nghiêng đầu sang một bên mà thôi. Có 2% trẻ sơ sinh mắc phải chứng này do đầu của thai nhi nằm nghiêng sang một bên trong tử cung hoặc bé bị chấn thương trước, trong lúc đẻ. Và cũng có thể do con bị còi xương, thiếu vitamin D nên việc hình thành hộp sọ bị ảnh hưởng.
Sọ của trẻ sơ sinh được cấu tạo bởi 6 miếng xương, trong suốt giai đoạn bào thai và ẵm ngửa chúng còn khá lỏng lẽo. Các miếng xương này sẽ dịch chuyển, chồng lên nhau để con chui ra khỏi tử cung của mẹ dễ dàng hơn. Điều này lý giải vì sao các mẹ đẻ thường thì đầu con dễ méo hơn, không đẹp bằng đầu của các bé sinh mổ.
Các mẹ đừng tưởng trẻ bị méo đầu, bẹp đầu là không nguy hiểm nha. Nó ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mĩ của con sau này. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cho rằng nó sẽ hạn chế một số kĩ năng vận động của con, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ trong những năm đầu đời. Các mẹ cứ tưởng tượng đi, một quả bóng nhựa mà bị méo thì có đá được không? Rồi sọ con đang bình thường mà bị móp méo, dồn sang một bên, biến dạng thì liệu có tốt bằng một bé có sọ bình thường không?
Hôm bữa em đi thăm con bé cháu sinh em bé, thấy con nó mới 2 tháng cũng bị bẹp một bên đầu giống y chang chang hồi con gái lớn em vậy, em mới bảo nó là sọ con còn mềm nên giờ chỉ cần chỉnh sửa, thay đổi tư thể nằm và tư thế bú để sọ dần dần tròn lại. Vậy mà nó cãi em đây đẩy, kêu em kĩ quá, lo chuyện xàm xí. Nó bảo sau này khi bé lớn đầu sẽ tự khắc đều lại. Xin lỗi chứ ngày trước em cũng nghĩ kiểu đó thành ra giờ con gái của em mới chịu cảnh xấu xí nè. Đã làm ơn mách cho sửa mà còn mắc oán.
Khi sinh thường đứa con thứ hai, sọ con cũng không đẹp cho lắm nên em cẩn thận hỏi bác sĩ và hỏi những người lớn tuổi các bí quyết để nắn đầu tròn cho bé, giữ cho con một hộp sọ tròn đều thật đẹp.
Quan trọng nhất là các mẹ nên chú ý tư thế nằm của con. Mới sinh nên con chưa đủ sức trở mình, mẹ đặt sao thì con nằm như vậy. Có mỏi cũng chỉ biết ngọ nguậy chân tay ròi oe oe thôi. Hộp sọ con còn mềm lắm, mẹ suốt ngày cho nằm ngửa thì sọ phía sau bị bẹp, mẹ cho nằm nghiêng nhiều thì sọ bị méo. Đúng là đi đường nào cũng toi cả. Chỉ còn cách các mẹ thường xuyên đổi tư thế cho con để con vừa đỡ mỏi vừa không bị bẹp đầu.
À nói tới cái vụ nằm này mới nhớ, các mẹ nên lót khăn thật mềm thật êm cho con nằm nha. Hồi ở bệnh viện sinh đứa thứ 2, em nhớ bà ngoại có mua cho cháu cái gối lõm. Mới cho nằm được vài tiếng thì chị y tá vô bảo lấy gối ra, thay bằng chiếc khăn mỏng gập lại tầm 1-2 cm cho con gối sẽ tốt hơn cho cột sống cổ của con. Nếu đầu con nặng quá bị nghiêng sang một bên thì mẹ có thể cuốn hai bên mép khăn áp sát vào tai để giữ cho đầu con thẳng. Chứ để con nằm gối vừa hại cổ vừa khiến con không cử động được, dễ bị mỏi nhừ, móp phía sau sọ. Việc cố định đầu bằng gối lõm hay bất cứ các vật dụng nào khác có tính vững chắc làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh lên, nguy hiểm lắm đó các mẹ à.
Khi nào con thức thì các mẹ nên bế bé nằm ngửa, nằm úp trên tay, trên đùi hoặc bế dựng đứng bé, cho bé tựa nghiêng lên ngực mình. Điều này giảm thiếu áp lực đè lên vùng đầu so với khi bắt con nằm cũi, nằm giường, ngồi xe đẩy cả ngày.
Khi đặt con xuống, mẹ nên đặt lưng bé xuống trước, sau đó mới chỉnh đầu bé. Lâu lâu mẹ cho con nằm nghiêng, dùng gối lõm mỏng kê dưới để đầu con được tròn đều không móp méo bên nào cả nha. Nếu con cứ nghiêng nghẻo đầu 1 bên thì mẹ có thể lấy khăn mềm chèn ngay bên đó để buộc con hướng đầu về phía khác.
Đó là em nói cho các mẹ phòng ngừa. Chứ với những bé đã bị méo đầu, bẹp đầu rồi mà tuổi vẫn còn nhỏ, vẫn còn có thể nắn chỉnh được thì các mẹ có thể nhờ bác sĩ hướng dẫn một số động tác xoa đầu nhẹ nhàng để giúp đầu con tròn hơn (nhớ là phải hỏi ý kiến bác sĩ và làm nhẹ thôi nha chứ làm mạnh là lợn lành biến thành lợn què luôn đó). Nếu mà bị biến dạng nặng quá, càng ngày càng thấy rõ hơn thì mẹ nên đưa con đi khám để có hướng điều trị phù hợp, kịp thời. Sọ bé sơ sinh còn mềm và mỏng manh, dễ bị tổn thương lắm nên cha mẹ tuyệt đối đừng tự ý động vào nha.
Mẹ cũng nên ăn uống đủ chất để cải thiện lượng sữa mẹ, cung cấp đủ dưỡng chất và canxi con cần. Nhiều bé bị thiếu canxi nên sọ cũng lâu cứng, lâu hoàn thiện, dễ móp méo hơn các bé khác.
(Tất cả hình ảnh trong bài đều mang tính chất minh họa, Nguồn: Internet)