10 nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nữ và cách phòng tránh
Ngày nay bệnh vô sinh ngày càng phổ biến, đó là nỗi lo của tất cả mọi người đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh ở nữ giới và cách phòng tránh căn bệnh này như thế nào?
1. Tắc vòi trứng
Đây là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới thường gặp nhất. Tắc vòi trứng gây cản trở quá trình di chuyển của trứng đã thụ tinh vào trong buồng tử cung. Tắc vòi trứng có thể xuất phát từ việc nạo hút thai không an toàn hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai không đảm bảo.
Viêm tắc vòi trứng khi có những biểu hiện cấp tính không được điều trị kịp thời có nguy cơ chuyển sang giai đoạn mãn tính, gây khó khăn trong quá trình điều trị, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của người bệnh. Các triệu chứng thường gặp của bệnh như đau sưng hai bên vùng bụng dưới, kinh nguyệt không đều, dịch tiết âm đạo tăng cao, hay mệt mỏi, ức chế tâm lý, rối loạn tiêu hóa,…
2. Lạc nội mạc tử cung
Bệnh lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến chức năng của tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Bệnh có thể khiến cho trứng rụng bất thường không theo chu kỳ, khiến loa vòi không thể bắt được trứng và không có hiện tượng thụ tinh. Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau bụng kinh dữ dội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.
3. Các vấn đề về tử cung
Vô sinh có thể xảy ra do cấu trúc của tử cung gặp vấn đề và những khối u, mô sẹo và các kết dính của lần phẫu thuật trước, tử cung đôi, tử cung hai sừng,… Những trở ngại này ngăn cản quá trình thụ tinh giữa tinh trùng và trứng, hoặc trứng thụ tinh rồi, nhưng quá trình di chuyển vào tử cung bị cản trở nên không làm tổ được ở tử cung do u xơ tử cung hoặc bất thường của niêm mạc tử cung.
4. Viêm nhiễm vùng tiểu khung
Theo nhiều thống kê cho thấy viêm nhiễm vùng tiểu khung là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới khá phổ biến, chiếm tỷ lệ 12%. Tình trạng viêm nhiễm vùng tiểu khung như viêm vòi trứng, buồng trứng, viêm cổ tử cung, viêm ống dẫn trứng,…khiến cho việc thụ thai trở nên khó khăn. Đồng thời, môi trường viêm nhiễm không thích hợp cho sự phát triển của trứng đã thụ tinh.
5. Bệnh nội tiết
Bệnh nội tiết gây ra những rối loạn nội tiết tố trong máu, từ đó dẫn đến vô sinh. Chẳng hạn như vấn đề rụng trứng: Buồng trứng hoạt động bất thường, không phóng noãn, thậm chí rụng trứng không đều cũng khiến cho phụ nữ không thể có thai. Ví dụ, bệnh nội tiết do khối u sinh prolactin của tuyến yên gây vô kinh.
Các vấn đề về nội tiết tố khác: Mặc dù có trứng để thụ tinh, nhưng do rối loạn nội tiết mà các nội tiết tố trong cơ thể phái nữ không thể cung cấp môi trường thích hợp cho trứng sống sót và trưởng thành.
6. Hội chứng Turner
Hội chứng Turner được bác sĩ Henry Turner mô tả chi tiết lần đầu tiên vào năm 1938. Nguyên nhân bệnh được phát hiện là do mất một phần hoặc toàn bộ một nhiễm sắc thể (NST) giới tính X trong bộ gen người. Đây là rối loạn NST giới tính thường gặp nhất ở nữ, gây rối loạn phát triển thể chất và tâm thần. Hơn 90% các trường hợp thai hội chứng Turner sẩy tự nhiên. Tuy nhiên vẫn có khoảng 1/4000 bé gái mới sinh bị mắc hội chứng này. Người bị hội chứng Turner thường bị suy buồng trứng sớm và đây thường là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới. Chỉ có khoảng 1% người mắc hội chứng Turner có thể mang thai.
7. Do tuổi tác
Tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới. Theo các nhà khoa học, người phụ nữ có độ tuổi càng cao thì khả năng mang thai càng thấp, tỷ lệ sẩy thai tự nhiên càng tăng và tần suất mắc bệnh vô sinh cũng tăng theo.
Sau 35 tuổi, tỷ lệ phụ nữ bị vô sinh, sẩy thai hoặc sinh ra bé mắc một bệnh lý hay dị tật nào đó tăng lên đáng kể. Vào khoảng 40 tuổi, chỉ có 2 trong 5 cặp vợ chồng mong muốn con có thể có con được.
8. Do thuốc tránh thai
Thành phần của thuốc tránh thai bao gồm các loại hormone có tác dụng ngăn cản buồng trứng phóng thích trứng, ngăn sự làm tổ của trứng đã thụ tinh. Các hormone này cũng tác động làm cho màng tử cung mỏng đi, tránh sự tiếp xúc giữa trứng đã được thụ tinh với màng tử cung và ngăn chặn sự tiếp xúc của tinh trùng với trứng. Dùng thuốc tránh thai một thời gian dài có thể ảnh hưởng tới kinh nguyệt (chậm kinh, kinh nguyệt không đều), điều đó sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc mang thai sau này, thậm chí có thể gây vô sinh.
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy thuốc tránh thai còn là thủ phạm gây ra những biến đổi cơ thể do sự tác động rộng rãi của nó gây ra. Đặc biệt, thuốc nào tránh thai càng mạnh và khẩn cấp thì đó lại là thuốc gây ra nhiều tai hại nhất.
9. Các bất thường tại cổ tử cung
Theo thống kê, khoảng 10% phụ nữ vô sinh do vùng cổ tử cung có vấn đề như: nhiễm trùng mãn tính, khối u hoặc vết sẹo ở cổ tử cung ngăn cản tinh trùng không đi qua được.
Do chất dịch nhầy ở cổ tử cung quá ít, hoặc kém chất lượng đã không giúp tinh trùng di chuyển, hay trong chất nhầy này có kháng thể kháng tinh trùng, khiến các các tinh trùng tuyệt đường, không thể đến thụ tinh với trứng.
Ngoài ra, nếu cấu trúc của cổ tử cung bị dị dạng, bịt kín hoặc hở (thường là do bẩm sinh, bệnh hoặc do điều trị bằng một cách nào đó) cũng có thể gây ra vô sinh.
10. Bệnh phụ khoa
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới ngày càng phổ biến. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa ngày càng cao, từ các bệnh đơn giản đến nguy hiểm như viêm ngứa vùng kín, huyết trắng hoặc xuất huyết âm đạo bất thường, viêm vùng chậu,…Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như việc chăm sóc vùng nhạy cảm đúng cách, dẫn đến bệnh ngày càng trở nặng và dễ dẫn đến tình trạng ung thư hoặc vô sinh. Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, phụ nữ nên đến các trung tâm y khoa uy tín để được khám và chữa bệnh kịp thời.
Các biện pháp phòng tránh vô sinh ở nữ giới
– Quan hệ tình dục lành mạnh: Luôn sử dụng bao cao su để phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, viêm nhiễm phụ khoa. Tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
– Tránh nạo, hút thai nhiều lần: Việc nạo hút thai nhiều lần sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới tử cung, buồng trứng gây nguy cơ vô sinh cao.
– Tránh stress thường xuyên: Thường xuyên bị stress chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng của bộ não và tuyến yên làm cho nội tiết tố sinh dục sẽ giảm xuống, khả năng thụ thai sẽ khó hơn rất nhiều.
– Kiểm tra, thăm khám định kỳ: Bạn nên thăm khám, kiểm tra định kỳ sức khỏe sinh sản để phát hiện ra sớm những bệnh dễ gây vô sinh như tắc vòi trứng, viêm nhiễm khuẩn đường sinh dục, viêm tử cung,…
– Tránh các thói quen có hại: Các thói quen như uống rượu, hút thuốc, thụt rửa âm đạo liên tục,… đều có thể làm suy giảm chức năng buồng trứng và dễ gây mãn kinh sớm.
– Bổ sung vitamin: Hãy bổ sung các loại vitamin cần thiết để bồi bổ sức khỏe, đặc biệt là vitamin E có tác dụng tăng cường chức năng hoạt động của buồng trứng để tăng khả năng sinh sản của bạn.
Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.