10 quan niệm SAI lầm về ung thư khiến nhiều bệnh nhân tự giết chết chính mình
Việt Nam là quốc gia thuộc danh sách nhóm có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư cao. Ước tính hàng năm có khoảng 150.000 ca mới, trong đó nam giới chiếm tới 57%. Những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như coi ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái đã khiến người bệnh ung thư không chỉ "tiền mất tật mang" mà còn nguy hiểm tính mạng...
Dưới đây là những hiểu lầm về ung thư mà mọi người vẫn thường mắc phải.
1. Những người bị ung thư không nên ăn đường: SAI
Vẫn có một lời đồn thổi rằng bệnh nhân ung thư không nên ăn đường vì gia vị này có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
Thực tế: Đường không làm cho các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để sản sinh năng lượng.
Nhưng ăn nhiều đường không có nghĩa là tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hay giảm đường cũng không khiến các tế bào ung thư “chậm lớn”. Tế bào ung thư tăng trưởng nhanh là do tính chất ác tính của nó.
Hơn nữa, tế bào ung thư cũng không liên quan đến tinh bột. Trong khi các mô cơ thể bình thường cần tinh bột để thực hiện các chức năng hàng ngày.
2. Ung thư là một bản án tử hình: SAI
Thực tế: Một bệnh nhân ung thư có chiến thắng được căn bệnh quái ác và sống trong bao lâu hoặc có tử vong hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đó là: Tùy loại ung thư, giai đoạn phát triển bệnh, diễn biến điều trị, sức khỏe tổng thể và quan trọng nhất là làm thế nào sớm phát hiện và can thiệp y tế kịp thời.
Hầu hết ung thư đều có thể chữa trị được. Là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn).
3. Siêu thực phẩm chống ung thư: SAI
Quả việt quất, củ dền, bông cải xanh, tỏi, trà xanh… được cho là những siêu thực phẩm có trong danh sách chống ung thư.
Thực tế: Mặc dù hàng nghìn trang web có những tuyên bố khác nhau, song không có trang nào khẳng định những thực phẩm trên là “siêu thực phẩm” chống lại ung thư. Vì vậy, bạn không cần mất quá nhiều công sức tìm kiếm “siêu thực phẩm chống ung thư”.
Điều đó không có nghĩa là bạn không quan tâm đến những thực phẩm đó. Có một vài loại tốt hơn các loại khác. Chỉ cần ăn nhiều hoa quả và rau củ, một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh, bạn đã phần nào thành công trong việc ngăn ngừa ung thư.
4. Trải qua điều trị ung thư có nghĩa là không còn sống và làm việc bình thường: SAI
Thực tế: Mục đích đầu tiên của việc điều trị ung thư là chữa bệnh, giúp bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn. Mục đích thứ hai là mang lại một cuộc sống bình thường cho người bệnh.
Trong nhiều trường hợp, nhiều phụ nữ sau khi chữa khỏi bệnh ung thư đã sinh con. Nhiều người vẫn hoạt động, làm việc bình thường trở lại sau khi điều trị bệnh. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh ung thư đã sống hoàn toàn vui vẻ, có ích, hạnh phúc.
5. Tất cả các liệu pháp điều trị ung thư đều đau đớn: SAI
Thực tế: Một vài loại thuốc được sử dụng trong quá trình hóa trị liệu có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị… Nhưng hiện nay đã được kiểm soát và giảm thiểu tác dụng phụ tốt hơn. Một số phương pháp xạ trị, hóa trị cũng không làm đau đớn như mọi người tưởng tượng. Phẫu thuật ngày càng tinh tế, ít gây tàn phá hơn và có nhiều thuốc giảm đau tốt.
6. Bệnh ung thư có tính lây lan: SAI
Thực tế: Ung thư không phải là một căn bệnh lây nhiễm. Bệnh không lây qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc…
Vì vậy, không có lý do gì để xa lánh hay phải có biện pháp phòng tránh đối với người bệnh ung thư.
7. Bệnh nhân ung thư không nên đi đám tang: SAI
Nhiều người có quan niệm, người mắc ung thư cần tránh xa đám tang vì đi dự đám tang làm cho bệnh di căn nhanh hoặc tái phát trở lại. Đây thực sự là một quan niệm sai lầm, không có cơ sở khoa học.
Phải khẳng định rằng dự đám tang không bao giờ dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh quay trở lại. Cảm giác mệt mỏi mà những người bệnh nhận thấy sau khi dự đám tang là do ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đây cũng là cảm giác xảy ra không chỉ với người bệnh ung thư mà với bất cứ người nào.
Đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn. Khi đã chữa ung thư phải luôn tuân thủ việc tái khám. Nếu giai đoạn sớm, nguy cơ tái phát ít nhưng không ai dám chắc sẽ diệt được tế bào ung thư cuối cùng.
8. Bệnh nhân mắc ung thư đụng “dao kéo” nhanh chết: SAI
Đây là tư tưởng sai lầm trong cách điều trị ung thư. Không ít người khi biết mình bị ung thư đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, chữa bệnh tuân theo phác đồ của bác sĩ mà nghe theo lời mách bảo truyền miệng dùng, uống các loại lá không rõ nguồn gốc. Người bệnh vô tình đánh mất thời gian vàng điều trị bệnh.
Sau khi điều trị bằng thuốc lá không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn. Phẫu thuật là một trong những phương pháp cơ bản giúp loại bỏ tối đa tế bào ung thư.
9. Bị ung thư là do “kiếp trước” mắc tội: SAI
Câu hỏi đầu tiên mà rất nhiều người vừa phát hiện ung thư đặt ra thường là “Tại sao lại là tôi”, “Tôi đã làm gì sai?”… Nhiều người tin rằng họ bị trừng phạt do kiếp trước mắc tội hoặc trong quá khứ đã làm việc không nên làm. Tâm lý người bệnh nghĩ rằng ung thư là án trừng phạt bản thân mà không hiểu phần lớn do môi trường sống.
10. Không nên bồi dưỡng cho bệnh nhân ung thư: SAI
Không ít người cho rằng bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất… còn sau giai đoạn điều trị chỉ nên ăn gạo lức, muối vừng để cơ thể gầy yếu, không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Những quan niệm sai lầm này ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị, làm giảm thời gian sống của bệnh nhân, đồng thời làm tăng tỉ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.
Nhiều người còn truyền tai nhau rằng người mắc ung thư không nên ăn trứng vịt lộn, bởi nó sẽ làm ung thư phát triển nhanh hay tái phát. Song, theo các chuyên gia, chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư.
BS. Phạm Thị Việt Hương
Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội