Chấn động: Bắt quả tang 5.200 con lợn bị tiêm thuốc an thần để giết mổ

Liên ngành kiểm tra, bắt quả tang nhân viên cơ sở giết mổ đang tiêm thuốc an thần cho 5.231 con lợn để chuẩn bị giết mổ tại huyện Củ Chi, TP.HCM.

Nguồn tin từ Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y TP. HCM đã bắt quả tang 2 nhân viên của Cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đang bơm thuốc an thần vào lợn để giết mổ trong đêm ngày 28/9.

Chấn động: Bắt quả tang 5.200 con lợn bị tiêm thuốc an thần để giết mổ 1
Lợn nằm la liệt

Vụ việc được các lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vào lúc 21 giờ tối 28/9 và được xử lý kéo dài đến 8h sáng ngày 29/9 mới kết thúc.

Tại hiện trường, lợn được tiêm thuốc an thần nằm la liệt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vỏ lọ thuốc, dung dịch màu vàng được đựng trong chai truyền nước (ghi dung dịch thuốc an thần) và các dụng cụ dùng để tiêm thuốc an thần cho lợn.

Qua kiểm tra ban đầu, đoàn phát hiện 5.231 con lợn đã được tiêm thuốc an thần để chuẩn bị giết mổ; số lợn chưa kịp tiêm là 587 con. Hiện đoàn công tác liên ngành đang tạm giữ tại chỗ 4.200 con lợn để chờ kết quả kiểm định từ 144 mẫu nước tiểu, 3 mẫu thuốc ghi dung dịch thuốc an thần. Khi có kết quả đoàn công tác sẽ có các bước xử lý tiếp theo.

Chấn động: Bắt quả tang 5.200 con lợn bị tiêm thuốc an thần để giết mổ 2

Tiêm thuốc cho heo ngay tại lò mổ

Khoảng 22h30 ngày 28-9, các trinh sát của phòng 7 (C49B) chia làm hai mũi, bất ngờ ập vào khu nhốt heo mổ gia công (cùng nằm trong lò mổ Xuyên Á) của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngụ Q.12), bắt quả tang ông Nguyễn Văn Dung (41 tuổi) và Vũ Văn Vĩ (27 tuổi, cùng quê Nam Định) đang tiêm thuốc an thần vào đàn heo.

Khi phát hiện lực lượng C49B, hai người này vứt kim tiêm và thuốc hòng phi tang.

“Trong hai người, một người được phân công nhiệm vụ tiêm, một người đi sau dùng sơn đánh dấu. Địa điểm tiêm có thể là tại chuồng hoặc được tiêm luôn trong quá trình lùa heo di chuyển từ xe xuống. Để đề phòng, lúc tiêm tại khu vực nhốt heo được các đối tượng tắt điện, phía ngoài có người canh chừng không cho người lạ tiếp cận” – một trinh sát cho biết.

Thông thường, heo được các thương lái ở các địa phương vận chuyển về tập kết ở lò Xuyên Á đợi giết mổ.

Từ 20h đến 22h30 là “giờ vàng” các nhóm thương lái tiêm thuốc an thần vào heo và chỉ vài tiếng sau số heo này được giết mổ cung cấp ra thị trường tiêu thụ.

“Thời điểm ập vào bắt quả tang, chúng tôi phát hiện hàng ngàn con heo vừa được tiêm thuốc nằm la liệt, ngủ li bì, các loại chai lọ thủy tinh ghi thuốc Combistress (một dạng thuốc gây mê an thần), kim tiêm vứt lăn lóc giữa sàn, trong thùng nhựa…” – trung tá Võ Văn Khứ, phó phòng 7 (C49B), cho biết.

Qua kiểm tra, lực lượng C49B thu giữ tang vật gồm 6 lọ Combistress dung tích 50ml và 51 chai nước (dạng chai truyền dịch) dung tích 500ml đã pha thuốc an thần.

Theo lời khai ban đầu của chủ lô heo, thuốc an thần do các lái heo cung cấp, 1 lọ thuốc an thần 50ml pha được 500ml, trung bình mỗi con heo được tiêm 2cc thuốc an thần.

Theo điều tra ban đầu, trong số 20 hộ thuê mặt bằng giết mổ gia công heo tại lò mổ Xuyên Á, 13 hộ có dấu hiệu thường xuyên tiêm thuốc an thần vào heo. Điều đặc biệt, thời điểm kiểm tra các camera của lò mổ đều ngưng hoạt động!?

Chấn động: Bắt quả tang 5.200 con lợn bị tiêm thuốc an thần để giết mổ 5
Cảnh tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tối 28-9 – Ảnh: C49 cung cấp

Rà soát để chấn chỉnh

Trao đổi với PV cùng ngày, đại diện lò mổ Xuyên Á cho biết chỉ cho thuê mặt bằng, không có chức năng giám sát, lấy mẫu chất cấm hay thuốc an thần.

Theo vị này, quy trình giết mổ heo tại lò được quy định rất chặt chẽ, heo phải đeo vòng mới được nhập về lò giết mổ. Tại lò cũng luôn có cán bộ thú y túc trực kiểm tra heo, đạt yêu cầu mới được giết mổ.

“Chúng tôi cũng đang rất đau đầu khi thương lái và người mổ heo cứ đổ qua đổ lại cho nhau. Thương lái khẳng định không tiêm thuốc an thần, nhân viên lò mổ thì nói là thương lái đưa thuốc cho tiêm” – vị này nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM không phủ nhận trách nhiệm của ngành thú y và cho biết sẽ kiểm tra lại từng khâu và quy trách nhiệm xử lý nghiêm. Tại sao khi kiểm tra cán bộ thú y không phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần, có phải cán bộ thú y vô trách nhiệm?

“Đầu nhập vào được thú y kiểm tra lâm sàng đầy đủ, khi vào trong từng ô chuồng anh em không có mặt nên không thể khẳng định rằng anh em thú y vô trách nhiệm. Chúng tôi đang làm rõ ràng từng khâu, xem có thiếu sót lỗ hổng để kịp thời chấn chỉnh” – vị này nói.

Liên quan đến việc làm rõ trách nhiệm giám sát của cán bộ thú y tại lò mổ, trung tá Võ Văn Khứ cho biết lãnh đạo Chi cục Thú y đã thừa nhận kiểm soát không chặt chẽ và cam kết sẽ kiểm tra, chấn chỉnh trách nhiệm của cán bộ thú y.

Trả lời câu hỏi về nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ thú y trong việc tiêm thuốc an thần cho heo, trung tá Khứ nói: “Tôi không khẳng định, nhưng có thể nói cán bộ thú y đã lơ là chức trách, để chủ lò qua mặt và không cương quyết xử lý bởi hầu hết các lô heo đều tiêm thuốc vứt chai lọ, kim tiêm công khai”.

Cần làm rõ ai đã tiếp tay

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM – bức xúc cho rằng không thể chấp nhận được câu chuyện thương lái vào tận cơ sở giết mổ tập trung để tiêm thuốc an thần cho heo, đồng thời đề nghị làm rõ ai đã tiếp tay.

“Qua vụ việc này cho thấy công tác quản lý thú y của chúng ta còn buông lỏng, việc quản lý giết mổ tập trung cần thực hiện nghiêm túc hơn. Mỗi bên đều phải làm tốt trách nhiệm của mình. Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện từ gốc đến ngọn và các ngành cần phối hợp chặt chẽ cùng quản lý” – bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, các thương lái thường tiêm thuốc an thần cho heo nhằm để heo bớt “quậy” bởi heo bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ vùng vẫy rất dữ khi được đưa vào giết mổ, ngoài ra còn giúp thịt đẹp nhờ giãn mạch sau khi tiêm thuốc, trong khi người sử dụng thực phẩm có tồn dư thuốc an thần sẽ có nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Không tốt cho sức khỏe

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: “Qua xác minh ban đầu, trên các lọ thuốc an thần đều ghi cảnh báo sử dụng trước 24h. Số thuốc này được nhập khẩu từ Bỉ”.

Theo tư liệu của Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp, với lợn tồn dư thuốc an thần mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, gây trầm cảm. Chính vì thế, hành vi bơm thuốc an thần vào lợn đã bị nghiêm cấm và có mức xử phạt rất cao.

Chấn động: Bắt quả tang 5.200 con lợn bị tiêm thuốc an thần để giết mổ 3
Thuốc dùng để tiêm cho lợn

Khoản 10, Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: Phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm còn bị xử phạt bổ sung với hình thức đình chỉ hoạt động từ 3 – 6 tháng.

“Đây là hành vi đáng lên án vì nó hủy hoại sức khỏe con người” – ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Diệu Thùy (Infonet) ; Hoàng Lộc – Công Trung – L.TH.H (Tuổi Trẻ)

Bài viết liên quan Cùng tác giả

Trả lời