Con dứt hẳn mồ hôi trộm, đêm không trằn trọc, ngủ thẳng giấc nhờ mẹ nấu thay phiên 10 món ngon bổ rẻ
Em thấy trên diễn đàn mình đã có rất nhiều các loại thực đơn dinh dưỡng cho bé trong độ tuổi ăn dặm. Hôm nay, sẵn có chút kinh nghiệm chăm con, em xin chia sẻ với mẹ thêm các món cháo dinh dưỡng để trị dứt chứng mồ hôi trộm cho bé ạ!
Chẳng là con em sinh non, lúc sinh chỉ nặng 1,8kg. Từ nhỏ đã rất yếu. Lớn hơn một chút thì lại bị chứng đổ mồ hôi trộm. Em tin rằng nhiều mẹ cũng rơi vào trường hợp như em. Khổ sở lắm ạ! Cứ nhìn con đêm đêm dở giấc, trằn trọc, khó ngủ mà sốt hết cả ruột. Em cũng đã thử cho con đi khám thì bác sĩ cho biết:
– Đổ mồ hôi trộm chỉ là một biểu hiện rất phổ biến ở trẻ nhỏ do hệ thần kinh thực vật của các bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Mặt khác, do hệ thần kinh đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện dần nên dẫn đến một số rối loạn khiến hệ giao cảm bị ảnh hưởng và làm bé đổ mồ hôi nhiều hơn.
– Các bé nào sinh non (như con em) hoặc các bé sinh nhẹ cân, thiếu vitamin D là những đối tượng dễ bị đổ mồ hôi trộm nhất đấy ạ! Tất nhiên, nếu phòng ngủ, phòng sinh hoạt của bé quá kín, không thông thoáng thì càng làm bé đổ mồ hôi nhiều hơn.
Mặc dù bác sĩ cũng nói sau này con em sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc nhưng vì quá sốt ruột nên em cũng tìm hiểu và hỏi han thêm nhiều mẹ khác. Mừng quá, có rất nhiều mẹ cũng đã từng nuôi con bị chứng đổ mồ hôi trộm như em. Một trong số các mẹ này còn có hẳn một cuốn sổ tay với các món cháo trị chứng đổ mồ hôi trộm. Ban đầu nghĩ chẳng ăn thua gì nhưng vì thấy các món này cũng hấp dẫn, đủ dinh dưỡng nên em làm thử cho con ăn. Không ngờ, chỉ sau 1 tháng thấy mọi chuyện khác hẳn. Con không còn thức đêm, khó ngủ nữa. Đã vậy nhờ cho con ăn đủ món xen kẽ trong ngày nên con còn tăng cân thêm được 700g (trước cân ký lúc nào cũng y mức cũ). Hiện tại bé ăn rất ngon miệng và ngủ ngon thẳng giấc suốt đêm luôn ạ!
Các món cháo em luân phiên nấu cho con gồm:
Tuần đầu tiên:
1.Cháo trai và lá dâu non:
Nguyên liệu: Mỗi lần em nấu khoảng 6 con trai; 35g lá dâu non; 1 nắm gạo nếp; 1 nắm gạo tẻ và thêm ít dầu oliu.
Cách nấu: Trước tiên, em cho trai và rổ và xát với muối để cho ra bớt nhớt. Sau đó rửa lại nhiều lần qua nước cho thật sạch, thái nhỏ và đem tao với ít dầu oliu. Sau khi nấu cháo nở được 1/2 hạt gạo, em cho trai vào và nấu đến khi cháo nhừ. Trước khi tắt bếp, em cho tiếp lá dâu vào đảo đều khoảng 3 phút và chan vào cháo 1 muỗng cà phê dầu oliu.
Vì đây là món trị chứng mồ hôi trộm rất hiệu quả nên em cho con ăn liên tiếp trong 6 ngày để chứng mồ hôi trộm giảm hẳn. Song song trong tuần đầu tiên này để giúp con chống ngán, em cho ăn xen kẽ món cháo đậu xanh và lá dâu non.
2.Chè đậu xanh và táo đỏ
Nguyên liệu: Đậu xanh: 50gr; táo tàu: 50gr; đường: vừa khẩu vị.
Thực hiện: Đậu xanh đãi thật sạch, ngâm với nước khoảng 2h. Ninh đậu với lượng nước vừa đủ, hớt bọt (nếu có) để nước trong. Đậu sau khi chín thì thêm táo vào, đun đến khi táo chín, nở to. Nêm nếm đường sao cho vừa miệng ăn rồi tắt bếp.
Chè đậu xanh táo tàu rất dễ nấu và không mất thời gian, nhưng lại rất tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, bổ huyết…
Tuần thứ 2 – 3:
3.Cháo nếp cẩm
Nguyên liệu: 1 nắm nếp cẩm nguyên cám, 1 nắm gạo tẻ, 30g hạt sen, 1 viên đường phèn nhỏ
Cách làm: Em ngâm nếp qua đêm, sau đó vo lại và nấu nếp cẩm cùng với gạo thường thành cháo. Khi gạo nở ½ hạt, em cho thêm hạt sen vào nấu cùng đến khi nhừ. Để cho cháo có vị ngọt dễ ăn mà không có hại cho con, em thâm 1 viên nhỏ đường phèn vào cháo và cho con ăn vào buổi sáng.
4. Cháo gốc hẹ
Nguyên liệu: 1 nắm gạo nếp, 1 nắm gạo tẻ, 35g gốc hẹ (chọn phần thân sát củ cho tăng hiệu quả), 50g thịt lợn nạc và ít dầu oliu.
Cách làm: Gốc hẹ xay nhuyễn lấy nước đặc. Sau đó bắc nồi cháo và băm thịt. Khi cháo nở ½ hạt, cho thịt băm vào nấu cùng. Cuối cùng, khi cháo đặc lại, thêm nước gốc hẹ vào và khuấy đều. Khi ăn, chan thêm 1 muỗng cà phê dầu oliu vào tô cháo cho bé.
5. Cháo cá chạch đồng:
Nguyên liệu: 1 con cá chạch đồng, 1 nắm gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp, 1 nắm lá dâu non và ít dầu cá hồi.
Cách nấu: Trước tiên, sau khi làm sạch cá (bỏ ruột, bỏ đuôi), em đem cá hấp chín để dễ gỡ thịt. Sau đó đem tao cá với ít dầu và hành để khử tanh. Tiếp theo, bắc nồi cháo, đợi nhừ, thêm cá và lá dâu non thái nhỏ vào khuấy đều. Khi ăn, chan thêm cho con 1 muỗng cà phê dầu oliu nữa là xong!
6. Cháo cá quả:
Nguyên liệu: 1 con cá quả, 1 nắm gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp, 1 củ cà rốt thái hạt lựu nhuyễn.
Cách nấu: Sau khi làm sạch cá, em đem cá hấp, lấy thịt giống như cách làm cá chạch đồng. Chỉ khác, em còn lấy xương cá, giã nhỏ và chắt lấy nước để thêm vào trong cháo. Sau đó, bắc nồi cháo. Trong lúc đợi cháo nở, em tao cá với cà rốt để khử tanh. Khi cháo nở đến ½ thì cho cá vào và nấu đến nhừ.
7. Cháo hến và rễ cây hẹ
Nguyên liệu: 100g hến, 1 nắm gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp và 50g rễ cây hẹ
Cách nấu: Lấy thịt hến tao với hành cho bớt tanh. Sau đó nấu cháo nhừ và cho hến vào. Phần rễ hẹ, phải rửa sạch, giã nhỏ và lọc lấy nước. Cho nước rễ hẹ vào cháo khi cháo đã nhừ và nấu thêm 3 phút.
Các món cháo trong hai tuần kế tiếp này em xen kẽ vào các buổi sáng, trưa, chiều và cho ăn liên tiếp. Nếu có thể tìm được trai, mẹ cũng có thể nấu xen vào cũng được nhé, không nhất thiết phải tuân theo thực đơn y như mẫu đâu ạ!
Tuần thứ 4
8. Cháo đậu đen
Nguyên liệu: 50g đậu đen, 1 nắm gạo nếp, 1 nắm gạo tẻ, 6 quả táo đỏ, 20g hạt sen và 1 viên đường phèn nhỏ.
Cách nấu: Cho đậu đen vào nấu với gạo đến khi mềm nhừ, sau đó thêm hạt sen và táo đỏ vào hầm. Nếu lúc nấu, cháo đặc có thể thêm nước. Sau đó, thêm đường phèn vào để cháo dễ ăn hơn.
9. Cháo mộc nhĩ và thịt bằm
Nguyên liệu: 30g thịt bằm, 1 nắm gạo nếp, 1 nắm gạo tẻ, 2 tai mộc nhĩ (ngâm nước nở và băm nhỏ), 6 trái táo đỏ và ít dầu oliu
Cách nấu: Xào thịt bằm với mộc nhĩ. Sau đó bắc nồi cháo. Đợi cháo chín, cho thịt bằm với mộc nhĩ và táo đỏ vào nấu cùng đến khi cháo nhừ.
10. Bột đậu ván
Nguyên liệu: 100g đậu ván trắng rang và nghiền thành bột
Cách nấu: Vì món này thay cho món ăn dặm nên khi ăn, em cho bột đậu ra bát, thêm nước sôi và khuấy đều với ít bột đường phèn. Món này giống món chè nên bé rất thích ăn.
Đây là những món trị chứng mồ hôi trộm rất hiệu quả mà em đã cố gắng nấu cho bé ăn liên tiếp trong suốt 1 tháng. Kết quả ngoài mong đợi của em ạ! Vì thế, mẹ nào muốn tham khảo có thể thử sẽ không phải tiếc công đâu ạ! Chỉ sợ những trường hợp đổ mồ hôi trộm bệnh lý như bệnh tim (đổ nhiều mồ hôi ngay cả khi ngồi ăn), bệnh tuyến giáp hoặc mắc chứng đổ mồ hôi quá nhiều (còn gọi là Hyperhidrosis) thì các con sẽ cần được điều trị đấy ạ! Riêng Hyperhidrosis, bố mẹ có dùng thuốc ngăn mồ hôi cho bé theo chỉ định của bác sĩ cho đến khi bé lớn để đủ điều kiện phẫu thuật loại bỏ tuyến mồ hôi.
Trên đây là kinh nghiệm chữa chứng mồ hôi trộm cho con của em. Mặc dù mỗi bé mỗi khác nhưng ít nhất nếu mẹ nào thấy có thể dùng để tham khảo được thì em cũng vui lây ạ!
Theo WTT