Vé máy bay ‘đắt như này Tết’ vì các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé gấp 2-3 lần
Giá vé máy bay một số chặng đường dài tăng gấp 2-3 lần so với thông thường và tương đương giá vé Tết.
Thông tin từ một số đại lý vé máy bay tại Hà Nội cho hay, dù đang là mùa thấp điểm nhưng khoảng một tuần nay, tất cả hãng hàng không đều tăng giá với các chặng bay nội địa.
Trong đó, các hãng chặng Hà Nội – TP HCM và ngược lại giá tăng cao nhất, thậm chí gấp 2-3 lần. Trên website của các hãng từ ngày 3-5/10, giá mỗi vé hạng phổ thông một chiều cả thuế, phí dao động từ 3 đến 3,6 triệu đồng. Vào những ngày cuối tuần, giá tăng trên 300.000 đồng mỗi vé. Như vậy, nếu khách đặt vé khứ hồi, giá có thể lên tới trên 6 triệu đồng, trong khi đó, mức giá thông thường dao động trên dưới 2 triệu. Đặt vé cách ngày bay khoảng một tuần nhưng giá cũng vào khoảng 2,8 triệu đồng một chiều.
“Mức thông thường đang khoảng xấp xỉ 2 triệu đồng nhưng nay giá tăng lên gấp đôi, thậm chí có thời điểm gấp ba. Đang là mùa thấp điểm về du lịch, mức tăng này không hợp lý, tương đương với giá vé Tết, chúng tôi rất khó ăn nói với khách hàng”, chủ một đại lý tại Hà Nội nói và cho hay kể cả khi khách đặt trước một tuần thì mức giá cũng không giảm đáng kể.
Bên cạnh chặng Hà Nội – TP HCM, theo các đại lý, các chặng bay dài cũng tăng giá khoảng 20-50%, tùy từng thời điểm. Cụ thể, chặng Hà Nội – Nha Trang đi ngày 4 và 5/10 đều từ 2,6 triệu đồng, Hà Nội – Đà Lạt từ 3,3 triệu đồng…
Giải thích về việc tăng giá, đại diện các hãng hàng không cho biết nguyên nhân là bởi vào mùa thấp điểm nên các hãng cắt giảm số chuyến bay. Theo các đại lý, hiện một số chặng bay dài, số chuyến của các hãng giảm xuống chỉ còn chưa bằng một nửa giai đoạn hè.
Trong đó, hãng bay giá rẻ Jetstar số lượng chuyến bay còn rất ít. Cụ thể, ngày 4/10 Jetstar có 7 chuyến bay, giá 3,54 triệu đồng một chiều. Ngày 5/10, hãng này có 4 chuyến bay, trong khi trước đó mỗi ngày thường trên 10 chuyến. Vì số chuyến bay giảm nên dẫn đến tình trạng hãng đổi giờ bay hoặc một số chuyến phải chuyển sang đi máy bay của Vietnam Airlines.
“Các hãng còn lại, nếu khi đặt vé trên website sẽ thấy họ vẫn có nhiều chuyến bay vào khung giờ khác nhau, tưởng như không phải giảm chuyến. Tuy nhiên, thực tế khi đến sát giờ bay lại gộp chuyến, thông báo thay đổi giờ bay với khách hàng nên số chuyến của họ cũng giảm còn một nửa”, chủ một đại lý cho hay.
Cho rằng một số hãng dồn chuyến nên đại lý này cũng cho biết đã thông báo với khách hàng về việc có mặt tại quầy làm thủ tục của hãng trước 2 tiếng hoặc check-in trực tuyến trước khi ra sân bay để đảm bảo còn ghế.
Việc tăng giá, dồn chuyến theo một số đại lý không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ mà còn khiến thị trường nhiễu loạn, có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ vé cho những tuần tiếp theo.
Trao đổi với VnExpress, đại diện hãng hàng không Jetstar nhận định giá vé biến động mạnh nhưng mang tính cục bộ và có thể chỉ trong một thời gian ngắn, không phải dài hạn. Ông lý giải, có thể do nhu cầu thời điểm này của năm nay cao hơn cùng kỳ, trong khi các hãng lên kế hoạch cắt giảm chuyến dựa vào việc phân tích dữ liệu những năm trước.
Riêng với Jetstar, ông cho biết, một số ngày gần đây phải cắt chuyến nhiều bởi một số máy bay đưa vào bảo dưỡng kỹ thuật để chuẩn bị cho mùa cao điểm cuối năm. Ngoài ra, một số phi công của hãng xin nghỉ ốm nên cũng ảnh hưởng đến việc khai thác. Tuy nhiên, ông cho hay, những khách hàng đã mua vé của hãng mà số chuyến bay bị cắt giảm sẽ được chuyển sang chuyến bay của Vietnam Airlines.
Các hãng hàng không còn lại cũng cho rằng, giá vé máy bay tăng mang tính ngắn hạn do nhu cầu tăng đột ngột.
“Giá cả thường dựa trên quan hệ cung cầu và được khống chế bởi giá trần theo quy định của cơ quan quản lý. Vào thời điểm nhu cầu cao, các hãng không cung cấp đủ nên giá có thể tăng. Tuy nhiên, tôi cho rằng giá vé sẽ chỉ biến động trong thời gian ngắn”, đại diện Vietjet Air cho hay.
Nguyễn Hà (VnExpress)