Hàng triệu lao động nữ bị giảm lương hưu bắt đầu từ năm 01/2018
Từ 1.1.2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu theo luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cách tính này sẽ khiến hàng triệu lao động nữ bị giảm lương hưu.
Hụt 10% tiền lương
Theo quy định hiện hành, người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khi đạt tỷ lệ 45%, cứ mỗi năm đóng BHXH, NLĐ nữ được tính thêm 3%, còn NLĐ nam được tính thêm 2%. Trong khi đó, từ ngày 1.1.2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu tại khoản 2, điều 56, luật BHXH năm 2014.
Cụ thể, từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ nữ được tính thêm 2%. Như vậy, NLĐ nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%.
Đối với NLĐ nam, nghỉ hưu năm 2018 để được hưởng mức 45% phải đóng đủ 16 năm. Tức NLĐ nam nghỉ hưu trong năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018, chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay với cách tính trên, từ năm thứ 16 trở đi thay vì được cộng 3% như trước đây, NLĐ nữ chỉ được cộng 2%. Như vậy, NLĐ nữ sẽ bị hụt mất 10% tổng quỹ tiền lương hưu. “Mong muốn của chúng ta là đảm bảo sự công bằng, có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Trước đây, chúng ta đang ưu tiên NLĐ nữ, giờ chúng ta lại điều chỉnh mà không có lộ trình, nên đã tác động ngay đến lương hưu của phụ nữ. Những năm đầu NLĐ nữ chưa đóng BHXH đạt 30 năm, sẽ phải chịu thiệt lương khi nghỉ hưu”, ông Lợi nói.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó giám đốc BHXH VN, thừa nhận với quy định này, ngay cả NLĐ có ngày sinh trong tháng 12, khi đã đủ 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam sẽ bắt đầu nghỉ hưu từ 1.1.2018, họ phải chịu cách tính tiền lương hưu từ năm 2018 là quá thiệt thòi. Nhiều người, chỉ sau 1 đêm thiệt 10% lương hưu!
Không công bằng và thiếu nhân văn với lao động nữ
Phó trưởng ban Quan hệ LĐ (Tổng liên đoàn LĐ VN) Lê Đình Quảng ước tính, có khoảng 50.000 NLĐ sẽ về hưu từ năm 2018. Trong đó, có 21.000 NLĐ nữ có số năm đóng BHXH dưới 30 năm. “Trong quan hệ lao động, phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi, vừa phải làm việc nước, việc nhà, đảm đương thiên chức làm mẹ. Đến khi về hưu, luật quy định nam giới có lộ trình, còn nữ giới giảm “sốc”. Quy định này không công bằng và thiếu nhân văn, đặc biệt tác động đến NLĐ nữ có thời gian đóng BHXH dưới 25 năm, có thể bị giảm đến 10% lương hưu”.
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động – Xã hội, thẳng thắn: “Việc cắt giảm tỷ lệ hưởng lương hưu đối với NLĐ nữ quá đột ngột là sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được. Đối với NLĐ nữ trong khu vực hành chính, có biên chế hoặc hợp đồng dài hạn sẽ ít chịu tác động, nhưng với NLĐ khu vực ngoài nhà nước, ký hợp đồng ngắn hạn hoặc phải thường xuyên thay đổi chỗ làm việc sẽ chịu tác động nhiều nhất của chính sách này”.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết tại thời điểm trình dự án luật BHXH sửa đổi năm 2014, Bộ LĐ-TB-XH đã trình phương án giãn lộ trình thay đổi cách tính lương hưu cho cả nam và nữ theo hướng giảm từ từ. Tuy nhiên, phương án giãn lộ trình cho nữ đã không được lựa chọn. “Rõ ràng khi nhìn vào thực tiễn, cách làm này không bình đẳng giữa nam và nữ. Nếu cần đi nhanh hơn có thể là 2 năm tăng 1%, giảm đột ngột như hiện nay, chắc chắn là gây “sốc” đối với NLĐ nữ”, ông Huân nói.
Bà Trần Thị Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), chia sẻ: “Những người làm chính sách lâu năm không bao giờ xây dựng luật có bước nhảy vọt. Chúng tôi đã nhìn thấy thiệt thòi cho phụ nữ và đã báo cáo Chính phủ, tiếc là không bảo vệ được quan điểm của mình”.
Kiến nghị giãn lộ trình giảm lương hưu
Chỉ còn 2 tháng nữa là quy định BHXH có hiệu lực, để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, ông Phạm Minh Huân kiến nghị cần phải thực hiện giãn lộ trình trong thời gian từ 10 – 20 năm. Ông Lê Đình Quảng cho biết, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn LĐ VN cũng đã yêu cầu Liên đoàn LĐ các địa phương báo cáo tình hình để có những đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, vừa đảm bảo thực thi chính sách pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. “Quan điểm cá nhân tôi là mong muốn Quốc hội xem xét sửa đổi điều 56 và 74 của luật BHXH. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần có lộ trình, trong khi chúng ta chỉ còn 2 tháng nữa là thực hiện, vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ nữ, Quốc hội có thể ra nghị quyết giãn lộ trình thực hiện quy định trên”, ông Quảng nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhìn nhận: “Nam giới có quy định lộ trình thực hiện trong 5 năm thì nữ giới cũng kéo dài thực hiện lộ trình 5 năm hay 10 năm, để giảm sốc từ từ, đừng “phanh” bất ngờ dẫn đến phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt. Điều này rất đáng để chúng ta kéo dài lộ trình thêm cho phụ nữ, để giảm bớt căng thẳng”. Tuy nhiên, theo ông Lợi đến thời điểm này chưa thấy cơ quan nào đề nghị với Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất. Ông Lợi cho rằng nếu Chính phủ có đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết hoặc có lộ trình để kéo dài nhằm đảm bảo lương hưu cho NLĐ nữ.
Trước những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56, điều 74 luật BHXH để hài hòa khoảng cách về giới trong thụ hưởng chính sách BHXH. Đây vấn đề cần phải làm sớm, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, có thể sửa đổi theo hướng thông qua một nghị quyết sửa đổi cách tính lương hưu.
Theo thống kê của BHXH VN, trong 4 năm trở lại đây, thời gian đóng BHXH bình quân của NLĐ nam là trên 32 năm, còn NLĐ nữ là 29 năm; có khoảng 68% số người nghỉ hưu được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Với cách tính thay đổi trên có thể ảnh hưởng đến 32% số người nghỉ hưu (chủ yếu là NLĐ nghỉ hưu sớm).
Lương hưu chênh nhau 80 lần
Chiều 31.10, trao đổi với báo chí tại hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ tháng 10, bà Đinh Thu Hiền, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN), cho biết hiện có 3.228 người có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng. Những người là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi nghỉ hưu nếu thấp hơn mức lương cơ sở sẽ được bù đủ 1,3 triệu đồng/tháng. Còn cán bộ xã không chuyên trách và những người tham gia BHXH tự nguyện không được bù thì sẽ phải chịu mức lương thực tế tính đóng.
Bà Hiền cũng cho biết thêm, người hưởng mức lương hưu cao nhất hiện nay là NLĐ nam từng làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài ở TP.HCM. Người này có thời gian đóng tương đồng với cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) nhưng mức đóng lên tới 66 triệu đồng/tháng nên khi về hưu năm 2015 được hưởng mức lương hưu là 87 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau 2 lần tăng lương, lương hưu của người này là hơn 100 triệu đồng, cao gấp 80 lần so với cô giáo Lan (lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng).
>> 10 cửa hàng bán Yến sào Khánh Hòa tốt nhất trên thị trường hiện nay!
>> Mất nửa cuộc đời nếu bạn bỏ qua 10 bộ phim cổ trang Trung Quốc hay nhất này!
Theo Thu Hằng (Thanh Niên Online)