Phát hoảng trước cách làm sữa ngô không cần… ngô
Theo hướng dẫn của chủ cửa hàng, để pha 10 lít sữa ngô chỉ cần dùng 3 thìa bột ngô, 3 thìa bột sữa ngô và 4 thìa tinh dầu ngô, sau đó khuấy đều với nước lọc. Người này cũng khẳng định, đây là cách pha chế của không ít cơ sở buôn bán sữa ngô hiện nay trên địa bàn Hà Nội.
Thâm nhập “thiên đường” chất phụ gia
Sau mỗi buổi tan trường, học sinh trường THCS Trưng Nhị và Trường tiểu học Trưng Trắc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại nối chân nhau ra tuyến phố Hương Viên mua đồ ăn vặt. Khoái khẩu đặc biệt của các em là sữa ngô với giá 10.000 đồng/cốc mua từ quán đồ uống ngay gần cổng trường. Theo quan sát của chúng tôi, sữa ngô ở quán này bán chạy nhất trong các loại đồ uống. Đặc biệt hơn, dù lượng học sinh và khách đi đường mua rất đông nhưng quán chỉ cần 1 nhân viên phục vụ với tốc độ rất nhanh. Tại khu vực pha chế có nhiều túi nilon màu trắng đựng các loại bột-không có nhãn mác.
Với mồ hôi nhễ nhại sau khi chạy ra từ cổng trường, Thành – một học sinh lớp 8 Trường THCS Trưng Nhị nhanh chóng vào quán mua 1 cốc sữa ngô để lạnh và cắm ống hút, rít một hơi hết luôn. Thành tươi cười bảo đây là món em và các bạn yêu thích. Để có tiền uống loại sữa này ngày nào cậu cũng xin bố mẹ 10.000 đồng để mua uống giải khát.
Khi chúng tôi hỏi cách pha chế sữa ngô, nữ chủ quán trẻ tuổi tỏ ra hết sức thận trọng. Đến chiều tối cùng ngày, chúng tôi bắt gặp chủ quán này mang rất nhiều thùng hộp nhỏ trên chiếc xe đạp điện đi chở hàng. Theo chân chặng đường dài, người phụ nữ này đến một cửa hàng bán phụ gia pha chế đồ uống trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi đã gom đầy một thùng các tông với các loại bột trà sữa, bột sữa ngô, nước cốt đào… cô gái nhanh chóng trở về cửa hàng của mình.
Để tìm hiểu rõ sự tình, nhiều ngày sau chúng tôi liên tục có mặt tại phố Hàng Buồm. Cũng tại cửa hàng hôm trước, PV bắt gặp rất nhiều người đến đây mua số lượng lớn các loại chất pha chế như bột cacao, cà phê, bột trà sữa, bột sữa ngô, siro cam… Theo chân họ, chúng tôi thấy điểm đến là một số quán cà phê, quán giải khát nằm trên đường Chùa Láng, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Khuất Duy Tiến…
Làm sữa ngô không cần… ngô(?)
Tiếp đến, trong vai là chủ một cơ sở kinh doanh đồ uống, chúng tôi bước vào cửa hàng bày bán phụ gia trên phố Hàng Buồm. Qua quan sát, cơ sở này bày bán những kệ hàng cao ngất với hàng ngàn hộp đựng các loại sản phẩm phụ gia pha chế. Ngay khi mở lời muốn mua đồ về để làm sữa ngô, chúng tôi được chủ cửa hàng giới thiệu cho 3 loại phụ gia là: Tinh dầu ngô, sữa ngô bột và bột ngô.
“Em an tâm đi, nhiều quán buôn bán đồ uống giải khát đều lấy hàng từ đây mà. Sữa ngô “không nhất thiết phải làm từ ngô”, nước cam không cần dùng đến quả cam, trà đào không cần đến trái đào… Quan trọng là phải có chất phụ gia phù hợp”, vừa nói, chủ cửa hàng vừa giới thiệu cho chúng tôi vô số loại bột hóa chất cho đến tinh dầu tạo hương.
Tinh dầu ngô mà chủ quán đưa cho chúng tôi được đựng trong vỏ chai nhựa không có bất cứ nhãn mác hay hạn sử dụng nào. Tuy nhiên, chỉ cần đưa lên mũi ngửi là có thể cảm nhận được mùi hương đậm đặc của ngô. Tiếp đến, bột ngô và sữa ngô bột ở dạng bột xay nhỏ, được đóng trong các túi nilong và cũng không có bất cứ nhãn mác nào. Giá của 1 lít tinh dầu ngô là 450.000 đồng, 1 kg bột ngô là 30.000 đồng và 50.000 đồng là giá của 1 kg sữa ngô bột. Để khẳng định “chất lượng” mùi hương của sản phẩm, người này còn mở nắp chai cho chúng tôi ngửi thử và bảo: “Thơm như thật chưa?”.
Tỏ vẻ không hiểu về cách pha chế sao cho “kinh tế nhất”, chủ cửa hàng hướng dẫn tận tình và không quên nhắc chúng tôi lấy giấy bút ghi cho nhớ, lần sau còn quay lại quán mua hàng. “Để pha 10 lít sữa ngô, em cho 4 thìa cà phê tinh dầu ngô, 3 thìa bột ngô cộng thêm 3 thìa sữa ngô bột, sau đó khuấy đều với nước lọc. Nếu muốn thật mùi hơn thì dùng thêm hạt của 5 bắp ngô nếp đã xay nhuyễn rồi bỏ thêm vào”, chủ cửa hàng nhắc đi nhắc lại.
Chưa hết ngạc nhiên về cách pha chế sữa ngô từ những chất phụ gia công nghiệp này, chúng tôi ghé sang quán lân cận cũng kinh doanh nhưng mặt hàng tương tự. Hỏi cách pha chế sữa ngô, chủ quán cũng giới thiệu tinh dầu ngô, bột ngô, sữa ngô bột và căn dặn cách pha chế như cửa hàng bên cạnh. Người này còn nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi các loại phụ gia khác như siro cam và siro chanh, nước cốt đào… dùng để pha chế các loại nước cam, nước chanh, trà đào. Theo quan sát, nước cốt đào được đựng trong những hộp với dung tích ngang các thùng sơn cỡ nhỏ, bên ngoài dán nhãn chi chít chữ tượng hình.
Tiếp tục khảo sát ở cửa hàng kế tiếp cùng nằm trên phố Hàng Buồm, chúng tôi được giới thiệu hàng loạt mặt hàng chất phụ gia hỗ trợ pha chế với giá cả phải chăng. Theo bà chủ quán, “hầu hết các loại đồ uống đều phải thêm các chất phụ gia”. Để lấy ví dụ, người phụ nữ này giới thiệu với chúng tôi 2 loại mặt hàng có tên là siro cam và siro chanh.
“Bình thường thì phải cần 1 đến 1,5 quả cam, chanh để pha một cốc nước cam, chanh nhưng nếu dùng thêm 1 thìa siro này có thể giảm đi chi phí đi rất nhiều lần, tức là chỉ cần nửa quả là có thể tạo thành một cốc nước cam, chanh ngon lành”, chủ quán bật mí. Giá một chai siro này cũng rẻ bất ngờ: 50.000 đồng một chai 500ml. “Một chai này em pha vài trăm cốc nước thoải mái”, bà chủ quán cho hay.
Nguy hại đến đâu?
Sau nhiều ngày ghi nhận và mua đủ các loại phụ gia, chúng tôi dùng tinh dầu ngô, sữa ngô và sữa bột ngô pha chế theo hướng dẫn của những chủ cửa hàng trên phố Hàng Buồm. Quả thật, chỉ sau vài động tác thử nghiệm chúng tôi đã có được một cốc sữa ngô có mùi vì không khác gì sữa ngô được làm từ ngô nếp. Với cách làm này, chỉ cần chục thìa hóa chất có thể pha chế được hơn 40 cốc “sữa ngô”.
Để tìm hiểu thêm về các loại chất phụ gia này, PV Báo Gia đình &Xã hội đã đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Tiếp nhận 3 loại hóa chất dùng để chế biến sữa ngô mà chúng tôi mua được (gồm: tinh dầu ngô, sữa ngô, sữa bột ngô), các cán bộ ở đây tỏ ra hết sức bất ngờ. TS Trần Hồng Vân cho biết: “Thường thì các sản phẩm sẽ có thông số về công bố chất lượng, từ đó sau quá trình kiểm nghiệm chúng tôi mới có thể kết luận sản phẩm ấy có độc hại hay không. Thế nhưng, các loại chất này không có bất kỳ nhãn mác nào vì vậy Viện không thể xác định nguồn gốc, chất lượng…”.
“Tuy nhiên có thể thấy, việc các cửa hàng buôn bán những loại phụ gia, thực phẩm không nhãn mác, nguồn gốc đã vi phạm quy định của nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong khi đó, việc sử dụng tinh dầu chỉ đánh lừa cảm giác người thưởng thức chứ không mang lại chất lượng dinh dưỡng gì, chưa kể còn gây nguy hại đến sức khỏe. Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuyệt đối không nên sử dụng các loại phụ gia, thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh những hệ lụy đáng tiếc”, TS Trần Hồng Vân nhấn mạnh.
Sau khi nắm bắt việc nhiều cửa hàng trên phố Hàng Buồm bày bán tràn lan các loại phụ gia không nhãn mác, không không rõ nguồn xuất xứ dùng để pha chế đồ uống, PV Báo Gia đình & Xã hội đã phản ánh sự việc đến UBND phường Hàng Buồm và UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tiếp nhận thông tin, sau nhiều ngày UBND phường Hàng Buồm vẫn chưa phản hồi thông tin gì, còn UBND quận Hoàn Kiếm thì hứa sẽ sớm kiểm tra và thông tin cụ thể đến báo chí.
>> Danh sách Top 10 cửa hàng Yến sào Khánh Hòa uy tín nhất hiện nay
>> Đừng bỏ qua 10 bộ phim kiếm hiệp cổ trang hay nhất này!
Theo Báo Gia Đình & Xã Hội