Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà

Không chỉ giúp làm xanh cho không gian ngôi nhà của bạn, hay được sử dụng để bổ sung thêm hương vị cho các món ăn, những loại cây trồng trong nhà ‘thần kỳ’ sau còn mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời.

1. Thì là

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 1
Thì là được trồng từ hạt, trước khi trồng cần ngâm hạt trong nước vài tiếng.

Thì là là loại rau không thể thiếu trong các món cá Việt Nam. Nhờ mùi thơm nồng ấm, thì là giúp khử mùi tanh của cá cũng như một số loại thực phẩm có vị tanh khác đồng thời làm tôn lên hương vị của món đó.

Thì là có tính nóng, giúp điều hoà âm dương, tốt cho tiêu hoá và là vị thuốc có tác dụng lợi sữa cho các bà mẹ mới sinh.

Thì là được trồng từ hạt, trước khi trồng cần ngâm hạt trong nước vài tiếng. Loại rau gia vị này ít chịu sâu bệnh, nên được trồng trong đất tơi xốp và giữ ẩm thường xuyên. Thời gian thích hợp nhất để trồng thì là là tháng 9-10.

2. Tía tô

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 2
Tía tô có thể được trồng từ một cành cũ, lưu ý bỏ hết lá phía dưới và chỉ để lại cành với hai lá non phía trên để ngâm vào bát nước.

Tía tô là loại rau gia vị thường dùng hàng ngày, có hương thơm mát dễ chịu nên thường được ăn kèm với các loại thịt, lòng, cá.

Với tính ấm, vị cay, tía tô là vị thuốc tuyệt vời để giải cảm, chữa ho và giảm đau. Giữa lúc mệt mỏi, bát cháo nóng hổi thơm sực mùi tía tô cùng ít hành lá sẽ giúp người ốm toát mồ hôi, nhẹ hẳn người. Khi bị ngộ độc do ăn hải sản, cũng có thể dùng tía tô để giải độc.

Tía tô có thể trồng quanh năm bằng hạt hoặc bằng thân. Nếu trồng từ một cành cũ, bạn nên bỏ hết lá phía dưới và chỉ để lại hai lá non phía trên, cắt một đoạn 5-7cm rồi ngâm vào bát nước, để ở nơi có nhiều ánh sáng. Khi rễ mọc dài ra, bạn có thể lấy khỏi bát nước và trồng vào đất.

3. Kinh giới

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 3
Kinh giới được trồng bằng hạt hoặc bằng thân, thu hoạch sau khoảng 30 – 45 ngày trồng, có thể trồng nhiều lứa một năm.

Kinh giới có vị thơm mát dễ chịu, ít nồng nên thường được ăn sống cùng các loại rau khác kèm với nem cuốn, gỏi, bún, thịt rừng… vừa để giảm tính hàn trong các món, vừa tăng hương vị cho món ăn.

Có thể dùng kinh giới kết hợp với tía tô, hương nhu để có tác dụng trị viêm họng tốt nhất.
Kinh giới có tính nóng, giúp ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa cảm gió… Khi dùng chung với tía tô, hương nhu, kinh giới có thể trị viêm họng, chữa nôn mửa.

Kinh giới được trồng bằng hạt hoặc bằng thân, thu hoạch sau khoảng 30 – 45 ngày trồng, có thể trồng nhiều lứa một năm. Khi trồng cần lưu ý giữ ẩm thường xuyên cho đất và không thu hoạch sau khi cây ra hoa.

4. Rau răm

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 4
Rau răm rất dễ trồng, bạn chỉ cần cắt ngang thân cây giống, lấy từng đoạn cành rồi cắm vào đất.

Rau răm có tính ấm nóng nên thường được dùng ăn kèm với các món lạnh, vừa để tránh đau bụng lại tăng hương vị cho món ăn.

Rau răm có tác dụng kích thích tiêu hoá, chữa đầy hơi, kém ăn, chữa cảm sốt.  Tuy nhiên lưu ý phụ nữ đang trong giai đoạn có kinh ăn nhiều răm răm dễ sinh rong huyết.

Rau răm rất dễ trồng, dễ sống vì có nhiều rễ, dễ thích nghi với các loại đất. Có thể trồng rau răm bằng cách cắt ngang thân cây giống, lấy từng đoạn cành khoảng 15cm có 5-6 mắt rồi, lấp 2/3 đoạn cành và tưới nhiều nước ấm cho cây ra rễ nhanh. Khi cây rau đã lên nhiều chồi, lá vươn dài là có thể thu hoạch được.

5. Rau mùi (ngò rí)

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 5
Rau mùi là một trong những loại rau thơm phổ biến nhất ở Việt Nam. Mùi thơm dễ chịu, vừa có thể dùng để tăng hương vị món ăn lại có thể dùng để trang trí.

Mùa đông và đầu xuân là thời điểm thích hợp nhất để trồng mùi. Tương tự như các loại rau thơm khác, lá mùi  kích thích tiêu hoá, chống đầy hơi, nhuận tràng, lợi tiểu, có tác dụng kích thích long đờm, chữa sổ mũi, ngạt mũi.

Mùa đông và đầu xuân là thời điểm thích hợp nhất để trồng mùi. Mùi được trồng bằng hạt, trước khi trồng cần giã nhẹ cho hai phần hạt tách rời ra cho dễ nảy mầm, ngâm hạt qua đêm trong nước ấm rồi gói trong khăn ẩm trong vài ngày. Khi mầm đã nứt vỏ, bạn có thể gieo vào đất.

6. Húng quế

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 6
Húng quế vừa có vị ngọt lại vừa cay, hương thơm hăng nồng đặc trưng khó lẫn, thoảng vị quế, được dùng để ăn kèm với các loại thịt luộc, gỏi cuốn.

Lá húng có tác dụng tuyệt vời khi ăn vào hoặc dùng đắp ngoài. Lá húng được dùng để trị sổ mũi, đau đầu, đầy bụng, tiêu hoá kém, kinh nguyệt không đều. Lá húng còn có thể để đắp ngoài hoặc nấu nước rửa, trị viêm da, eczema, sâu bọ đốt.

Húng có thể được trồng bằng hạt hoặc bằng cành vì trên thân có nhiều mầm rễ. Khi trồng bằng cành, bạn cần cắt một đoạn khoảng 10-15cm rồi lấp đất vào 2/3 chiều dài của cành, tưới nước đủ để giữ ẩm cho cành dễ ra rễ, đâm chồi. Khoảng 1 tháng sau khi trồng là có thể thu hoạch húng.

7. Mùi tàu (ngò gai)

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 6
Mùi tàu có hương thơm hơi hắc, tính ấm, thường được ăn sống và cả nấu chín, nhất là các món măng.

Cây mùi tàu rất dễ sống, ít sâu bệnh nên không cần chăm sóc nhiều. Mùi tàu giúp hạ cholesterol, đau bụng, khó tiêu, chữa cảm mạo, chữa đái dầm ở trẻ nhỏ. Sắc mùi tàu cùng vài hạt muối rồi ngậm và súc miệng nhiều lần cũng giúp bớt hôi miệng.

Mùi tàu được trồng bằng hạt, có thể gieo thẳng vào đất, tưới nước cho đất đủ ẩm. Cây dễ sống, ít sâu bệnh nên việc chăm sóc khá đơn giản, có thể trồng nhiều lần trong năm do ít bị ảnh hưởng của thời tiết. Sau khi trồng khoảng 2 tháng là có thể bắt đầu tỉa ăn dần.

8. Hành

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 8
Cách dễ nhất để trồng hành là bỏ hết lá, giữ lại phần gốc trắng bên dưới rồi trồng trong chậu đất.

 

Hành là loại rau gia vị phổ biến nhất ở Việt Nam, có mặt trong các loại phở, bún nước . Đây là vị thuốc nam chứa kháng sinh tự nhiên giúp chữa ho, tiêu đờm, chữa sốt, cảm, giúp lợi tiểu, sát trùng… Hành giã nhỏ đắp lên mụn nhọt có thể làm tiêu mủ.

Để trồng tại nhà, cách dễ nhất là trồng từ củ hành đã có. Cắt phần lá xanh phía trên để nấu ăn và giữ lại toàn bộ phần gốc trắng bên dưới rồi trồng trong chậu đất sao cho thân hành lộ ra khoảng 2-3cm.

Nếu không trồng trong đất, có thể đặt phần gốc đó vào cốc nước sao cho toàn bộ rễ ngập trong nước để tránh thối, thay nước hai ngày một lần. Hành sẽ dễ dàng mọc chồi và sớm ra các thân hành mới.

9. Diếp cá

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 9
Diếp cá phổ biến ở miền Nam hơn là miền Bắc, có vị cay chua, mùi tanh, tính mát.

Mặc dù có vị tanh khi ăn nhưng diếp cá có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Diếp cá có chứa tinh dầu và kháng sinh tự nhiên, giúp sát trùng, chống viêm loét, lợi tiểu, chữa táo bón, có thể giã nhỏ cùng muối và đắp lên vết thương có mủ. Nhai một ít diếp cá với muối có thể chữa ho.

Diếp cá ưa ẩm, chịu nhiệt độ cao và không kén đất, có thể trồng quanh năm từ cành giâm hoặc tách chiết gốc từ cây con. Sau khi trồng 1 – 1,5 tháng có thể thu hoạch diếp cá, cắt hết thân cây, để lại một đoạn 1-2cm rồi bón thêm lớp đất dinh dưỡng.

10. Ngổ

Những tác dụng tuyệt vời của 10 loại cây gia vị bạn nên trồng trong nhà 10
Ngổ cũng là loại cây có thể trồng từ thân, chỉ giữ lại 1 đoạn thân và trồng vào đất, tưới nhiều nước là cây sẽ lên.

Ngổ có vị thanh mát, khi ăn sống thấy nhân nhẩn đắng nhưng nhai kỹ lại thấy ngọt trong miệng. Món canh chua theo kiểu miền Nam có thêm ít rau ngổ sẽ hấp dẫn tuyệt vời.

Ngổ tốt cho người bị tiểu đường, có tác dụng đào thải mỡ máu, hạ đường huyết, tốt cho những người có bệnh về gan, mất và thần kinh, chữa đầy bụng, băng huyết.

Ngổ dễ sống, trồng được quanh năm nhưng cần đảm bảo đất nhiều mùn, giữ ẩm tốt. Có thể trồng ngổ bằng các đoạn ngọn dài 15-18cm rồi trồng vào đất, tưới hai lần mỗi ngày.

Khi thu hoạch, cắt để lại khoảng 3-4cm trên mặt chậu cho lá mới lên, thu hoạch lại cho tới khi năng suất giảm thì cần thay lượt cây mới.

Bài viết liên quan Cùng tác giả

Trả lời